Khu rừng này có từ lâu đời, nằm giữa ba phường: Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài, kề đường Hùng Vương nối trung tâm Phan Thiết đi Mũi Né. Trước đây, khu vực này là đất nuôi tôm, làm ruộng muối. Quá trình Nhà nước thu hồi đất (từ năm 2005, đến nay đã gần 15 năm) để thực hiện việc đầu tư xây dựng khu dân cư Hùng Vương giai đoạn 2 theo quy hoạch. Hiện tại, khu vực này người dân không còn canh tác nên tạo điều kiện cho các cây, lùm bụi phát triển tự nhiên như: Cây sú, cây bần, cây mắm… Hiện tại, các cây mọc rải rác, đa phần các cây bụi, lùm có kích thước từ 2 – 4 m mọc tập trung, dọc khu vực bờ sông Cầu Ké, tạo mảng xanh khá bắt mắt. Không chỉ vậy, rừng ngập mặn còn được xem là lá phổi xanh của thành phố, các loại cây trong rừng trở thành nguồn cung cấp thức ăn và là nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá… Vì vậy, chiều về, nhiều đàn chim, cò về trú ngụ, tìm thức ăn tạo nên cảnh quan vô cùng thơ mộng, hữu tình và là đề tài hấp dẫn cho những nghệ sĩ nhiếp ảnh đến săn ảnh.
Không chỉ là nơi hội tụ phong phú, đa dạng các loại động vật về sinh sống như chim, cò, rẻ quạt, bìm bịp, bói cá… rừng ngập mặn còn là nơi giúp nhiều ngư dân địa phương mưu sinhvới các loài thủy sản nước mặn, nước lợ (cá, tôm, cua, rùa, sò ốc,…). Cứ khoảng 3 giờ chiều hàng ngày, ông Lê Văn Năm (phường Phú Hài) lại có mặt ở khu rừng ngập mặn để bỏ rập kiếm sống. Đều đặn như thế hơn 10 năm nay, nên từng con nước, ngóc ngách trong khu rừng ông Năm khá nằm lòng. Mỗi ngày kiếm vẻn vọn vài trăm nghìn cho vài ký tôm, cua bắt được trong rừng ngập mặn, nhưng đủ để ông nuôi sống cả gia đình, do đó, ông cũng nghe ngóng các thông tin liên quan đến khu rừng này.
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 1616/QĐ-UBND ngày 13/7/2020, toàn bộ khu đất rừng ngập mặn rộng hơn 32,3 ha này sẽ được chia làm 2 khu vực: xây dựng khu dân cư (gần 10 ha) và khu công viên (hơn 22 ha). Trong đó, nhà nước sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với gần 10 ha khu vực xây dựng khu dân cư để tái đầu tư thực hiện khu vực công viên.
Tuy nhiên, trong chuyến khảo sát bằng ca nô dọc theo khu vực rừng ngập mặn, ven sông Phú Hài, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho rằng, hiện tại khu ngập mặn đã hình thành thảm xanh rất đẹp. Khu vực này còn thu hút rất nhiều cò, các loại chim hội tụ về sinh sống, tạo nên không gian sống trong lành. Việc thực hiện quy hoạch khu dân cư tại đây sẽ khiến TP. Phan Thiết mất đi 1 khu rừng ngập mặn hiếm hoi, lớn nhất còn sót lại ở địa phương này.
Bí thư Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cần nghiên cứu, giữ lại toàn bộ diện tích này làm công viên cây xanh, chỉnh trang 2 bên bờ sông tạo nên 1 khu sinh thái đẹp giữa lòng thành phố. Theo đó, sẽ quy hoạch làm quảng trường, cải tạo thành những lối đi như những con kênh dưới tán cây của rừng ngập mặn. Với ý tưởng này, tỉnh sẽ tạo khu sinh thái ngập mặn đặc biệt cho người dân thành phố, thậm chí tạo điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Hiện nay ngân sách tỉnh còn khó khăn, nhưng không nhất thiết phải đấu giá 1 phần đất khu vực này, có thể lựa chọn những khu vực đất khác đấu giá, lấy kinh phí tái đầu tư lại khu rừng ngập mặn, Bí thư Tỉnh ủy cho biết thêm.
Về ý tưởng giữ lại toàn bộ diện tích khu vực này để quy hoạch làm khu sinh thái, đã được sự ủng hộ, đồng thuận cao từ người dân bởi theo Bí thư Tỉnh ủy, không chỉ tạo không gian xanh cho người dân, tạo điểm đến mới lạ cho các đoàn khách, mà mục tiêu lớn hơn là tăng cường nhận thức cho du khách, cho học sinh, nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Nếu được giữ lại, khu rừng sẽ góp phần điều hòa không khí, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của sóng, bão lụt, thoát lũ và chống xói lở cho khu vực. Ngoài ra, còn hạn chế xâm nhập mặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cửa sông, ven biển.
Minh Vân - Clip Ngọc Lân