Theo dõi trên

Khi cá cơm không còn là “cơm”…

03/06/2022, 05:32

Tháng 6, nắng vàng ươm, là thời điểm thích hợp để những mẻ cá cơm tươi rói mới ra lò nằm phơi mình giữa cái nắng gắt trưa hè oi bức trong sự tất bật, nhộn nhịp của hàng ngàn lao động ở làng nghề cá cơm Mũi Né (TP. Phan Thiết). Ấy thế mà, con cá nhỏ như ngón tay từng giúp bao người nơi đây đổi đời, bỗng dưng thưa dần, rồi mất tăm…

“Săn” cá cơm

Có hẹn với ngư dân Nguyễn Ngọc Đãi (khu phố 8 – phường Mũi Né), tôi trở lại Mũi Né vào những ngày đầu tháng 6. Trước khi vào nhà ông, tôi ghé ngang khu vực Bãi Sau như một thói quen. Đây là nơi hàng trăm tàu thuyền địa phương trong đó có nghề pha xúc thường cập bến. Khi tôi đến, tàu thuyền vẫn dập dìu ra vào để bốc dỡ những mẻ cá tươi sau những chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, len lỏi trong số các tàu cập bến chỉ có một, hai tàu cá hành nghề pha xúc đánh bắt cá cơm, cộng thêm, nghe ông Đãi bảo rằng ở nhà từ Tết Nguyên đán đến nay, tôi càng chắc mùa cá cơm năm nay chắc không nhộn nhịp. Bởi ông là một trong những ngư dân hành nghề pha xúc lâu năm ở vùng Mũi Né này.

nhieu-lo-hap-ca-com-o-mui-ne-dong-cua-do-mat-mua-ca-com-anh-nl-3-.jpg
Các lò hấp cá cơm đóng cửa im lìm (ảnh: Ngọc Lân)
nhieu-lo-hap-ca-com-o-mui-ne-dong-cua-do-mat-mua-ca-com-anh-nl-2-.jpg
Hàng trăm vỉ phơi cá xếp chồng lên nhau nằm buồn thiu (ảnh Ngọc Lân)

Ngồi trong căn nhà khang trang trên đồi cao của ông Đãi nhìn thẳng ra biển, gió mát lộng. Đó là những gì “lộc” biển mang lại cho gia đình ông, kèm theo danh hiệu ngư dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Hơn 30 năm thăng trầm với nghề, 2 tàu pha xúc của gia đình ông hết “đánh trận” ở Mũi Né rồi kéo xuống Kiên Giang để “săn” cá cơm, đi chuyến nào trúng chuyến ấy. Thế mà, chưa năm nào tàu của ông phải nằm nhà dài ngày đến vậy. Ấy rồi, thông tin ông Đãi đã bán đi 1 trong 2 chiếc tàu công suất 250 CV cách đây 3 năm, làm tôi càng hiểu rõ từ “biển bạc” mà nhiều ngư dân dạo gần đây hay nhắc đến. Nhưng, việc ông bán đi “một nửa tài sản” không ảnh hưởng lắm đến những danh hiệu kia, khi lão ngư 65 tuổi này vẫn cố gắng bám biển vươn khơi nếu cá cơm vào mùa.

Như thường lệ, sau Tết Nguyên đán sẽ có 1 đợt cá cơm xuất hiện dày, theo kinh nghiệm, ông lại vươn khơi xuất hành. Thế mà, “lỗ liền 30 triệu đồng ngay thời điểm giá dầu tăng cao, rồi tàu nằm bờ đến hôm nay. Chắc đến tháng 6 – 7 âm lịch tôi mới dám vươn khơi trở lại để tránh lỗ tổn”, giọng trầm buồn ông Đãi nói. Rồi ông nhớ lại một thời lẫy lừng: “Những năm 1999 - 2000, tàu thuyền ra khơi chừng vài hải lý là thu hoạch hàng tấn cá cơm. Từ tháng 3 - 9 âm lịch là thời điểm cá xuất hiện dày nên ghe thuyền nào hành nghề pha xúc cũng trúng lớn. Sản lượng nhiều đến nỗi ngoài việc cung cấp cho các cơ sở làm nước mắm, còn dư phải đem hấp, phơi khô bán ra thị trường. Có thời điểm sản lượng đánh bắt đạt hơn 500 tấn/ngày, hầu như nhà nào có ghe thuyền hành nghề pha xúc, là có luôn lò hấp cá cơm”. Kể đến đó, bỗng ông im lặng, rồi phóng tầm mắt ra xa, chỉ tôi xem hàng chục lò hấp trước mặt nhà ông giờ nằm im lìm, không 1 bóng người. Hàng trăm vỉ phơi cá xếp chồng lên nhau nằm trơ trọi giữa nắng buồn thiu, các lò hấp được rào lại hiu quạnh, không còn cảnh đỏ lửa, nhộn nhịp, tất bật như mọi khi, trong đó có cả lò hấp cá cơm của gia đình ông, nơi từng nuôi sống hàng chục lao động địa phương.

phoi-ca-com-xuat-khau-o-mui-ne-phan-thiet-anh-nl-2-.jpg
Phơi cá cơm khô xuất khẩu ở Mũi Né (ảnh: Ngọc Lân)
phoi-ca-com-xuat-khau-o-mui-ne-phan-thiet-anh-nl-3-copy.jpg
Một thời các lò hấp cá cơm thu hút nhiều lao động địa phương làm việc ngày đêm (ảnh: Ngọc Lân)

Nức tiếng “cá cơm khô”

Câu chuyện của ông Đãi cứ luẩn quẩn trong đầu cho đến khi tôi gặp bà Ngô Thị Hường (khu phố 5), chủ 1 cơ sở hấp cá cơm có thâm niên hơn 15 năm ở Mũi Né. “Cách đây khoảng 10 năm, dọc làng chài Mũi Né có đến hàng trăm cơ sở chế biến cá cơm, lao động khắp nơi đổ về làm thuê, không khí rất náo nhiệt khi vào mùa cá. Những lò hấp cá luôn đỏ lửa hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm trong tiếng cười nói rộn ràng của cả trẻ em, phụ nữ lẫn đàn ông. Thời điểm ấy, cả chủ cơ sở và người lao động đều thu nhập khá”, lời của bà Hường càng khẳng định những gì ông Đãi kể với tôi trước đó. Nếu thời điểm này những năm trước, bà Hường sẽ không có nhiều thời gian ngồi tiếp chuyện tôi như lúc này, khi trong 1 tháng hết 20 ngày lò hấp nhà bà đỏ lửa, chưa kể khách hàng sỉ, lẻ cá cơm khô khắp nơi “réo” gửi hàng liên tục từ các tỉnh lân cận, đến các thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… với số lượng lớn. Lúc đỉnh điểm, cơ sở của bà có thể sơ chế tận 20 tấn cá tươi/ngày, do đó, 30 lao động thường xuyên làm trong lò hấp của bà kiếm từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/ ngày là lẽ thường tình. Thế nhưng, giờ hỏi đến, bà Hường không rõ những công nhân ấy giờ làm gì, bà chỉ biết đại khái “nam thì đi phụ hồ, nữ thì xuống biển gỡ cá, giúp việc nhà, xin vào các khu du lịch làm tạp vụ, tụi nhỏ thì đi xa học nghề, làm phục vụ quán cà phê… Chỉ vài người biết tích góp khi làm ăn có, thì cuộc sống nay đủ đầy, họ chuyển sang buôn bán nhỏ, ổn định cuộc sống”. Nhìn những lò hấp cửa đóng then cài, tôi biết chắc không riêng gì những lao động ở cơ sở của bà Hường mà gần 2.000 lao động thời vụ khác của hơn 100 lò hấp cá ở Mũi Né phải tỏa đi khắp nơi để kiếm việc, khi người ta không đủ kiên nhẫn để trông chờ sự xuất hiện của đàn cá bé như ngón tay. Hàng làm ra ít, kho lạnh trống rỗng, bà Hường cũng bán nốt vì tiền điện hàng tháng còn nhiều hơn tiền cá. Bà Hường than thở: “Suốt thời gian từ tết đến nay, chỉ 15 ngày có cá, lao động làm việc gián đoạn nên rất bất mãn. Chỉ có cơ sở nào không tốn tiền thuê đất như tôi mới trụ đến hôm nay, hầu như các lò đã trả mặt bằng vì lỗ nhiều năm liền. Chắc kinh doanh thêm 1 năm nữa, tôi cũng đóng cửa vì sợ không còn hàng để làm”.

Khi nhắc đến cá cơm khô Mũi Né, người dân địa phương chắc sẽ không quên những chuyện không vui liên quan đến những lùm xùm quanh việc buôn bán với Trung Quốc. Không chỉ ép giá, thương lái Trung Quốc còn gom hàng cá cơm khô rồi ghi nợ ở các cơ sở lên đến hàng chục tỷ đồng. Bà Hường cũng thừa nhận các lò hấp ở địa phương hiện nay quá lạc hậu, thủ công nên chất lượng cá cơm chưa đạt tiêu chuẩn để vào những thị trường khó tính mà an toàn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thời điểm đó, vài cơ sở được khách đặt những lô hàng lớn xuất ngoại, nhưng phải đảm bảo theo 1 quy trình nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, ai cũng lắc đầu từ chối lời mời hấp dẫn ấy, bởi để đầu tư được một lò sản xuất cá cơm khô đạt tiêu chuẩn như họ yêu cầu, kinh phí lên đến hàng tỷ đồng.

Cuộc dịch chuyển

Câu chuyện xuất khẩu cá cơm khô làm tôi liên tưởng đến trái thanh long khi cũng quá phụ thuộc vào 1 thị trường nào đó. Nhưng khác với trái thanh long đang phát triển vượt ngoài quy hoạch, thì nguồn cá cơm ở vùng biển Mũi Né đang cạn kiệt dần, làm những ngư dân nơi đây trăn trở. Có lẽ ông Đãi là người hiểu rõ nhất nguyên nhân con cá bé tẹo từng giúp ông làm giàu, những năm nay bỗng thưa dần. “Một phần do thời tiết biến tấu khôn lường, nhưng phần lớn do con người khai thác tàn phá. Trong khi mình đánh bắt theo kiểu truyền thống, thì các tàu thuyền vây lưới mùng đánh bắt bằng chất nổ, khai thác tận diệt hải sản non nên trữ lượng cá cơm mỗi năm ít dần. Mọi năm vào mùa này ở các vùng biển lộng thường có đàn cá nổi xuất hiện, còn năm nay hiện tượng này rất ít xảy ra”. Lời của ông Đãi đã được minh chứng khi Mũi Né từ 130 cơ sở chế biến cá cơm khô với sản lượng 5.000 tấn cá tươi mỗi năm (năm 2010), giờ chỉ còn 40 cơ sở hoạt động cầm chừng với khoảng 62 tàu hành nghề pha xúc. Con số khá khiêm tốn làm người dân địa phương lo ngại làng nghề sẽ mai một dần theo thời gian.

Bên cạnh việc tìm mọi cách để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá cơm khô theo hướng bền vững, thì chính quyền phường Mũi Né đã tính toán đến việc dịch chuyển ngành nghề lao động khi nằm tại Khu du lịch Quốc gia. Tôi nghĩ cuộc dịch chuyển ấy hợp lý hơn là trông chờ vào mùa cá cơm lúc được lúc mất, dù thu nhập không bằng. Trong hàng trăm lao động ở các lò cá cơm kia, đã không ít người giờ trở thành nhân viên chính thức của các resort ở “thiên đường nghỉ dưỡng”. Mơ ước về 1 làng nghề cá cơm dường như là điều gì đó quá xa vời khi vấn nạn ô nhiễm môi trường từ các cơ sở hấp cá chưa được giải quyết triệt để và mọi thảo luận, suy tính của chính quyền vẫn chưa đâu vào đâu, vì mọi thứ đều liên quan đến kinh phí. Tuy nhiên, bên cạnh sự dịch chuyển lao động 1 cách tích cực, những ngư dân hành nghề pha xúc vẫn rất mong chờ nguồn lợi hải sản “hồi sinh” như xưa. Để làm được điều đó, cái khó nhất là làm thế nào để ngư dân hành nghề lưới vây dừng việc đánh bắt bằng chất nổ, không tận diệt nguồn lợi hải đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng biển Mũi Né.

Rời làng cá cơm Mũi Né, ông Đãi lẫn bà Hường đều hẹn tôi 10 ngày nữa quay lại nếu muốn có những hình ảnh đẹp về cá cơm, vì họ tin thời gian ấy đàn cá nhỏ sẽ theo dòng chảy quay về vùng biển ấm. Họ bảo, đó là lúc họ thu hoạch rộ kéo dài đến tháng 9 âm lịch. Tôi cũng mong dự đoán của họ là đúng để phần nào xoa dịu những lo lắng, khắc khoải mấy tháng qua.

PHÓNG SỰ: MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ hè thu
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, bước vào vụ hè thu 2022, thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nông dân tập trung xuống giống vụ hè thu, diện tích gieo trồng đạt khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh hại vẫn phức tạp, nên bà con cần chủ động phòng trừ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi cá cơm không còn là “cơm”…