Theo dõi trên

Phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ hè thu

02/06/2022, 05:13

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, bước vào vụ hè thu 2022, thời tiết cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nông dân tập trung xuống giống vụ hè thu, diện tích gieo trồng đạt khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh hại vẫn phức tạp, nên bà con cần chủ động phòng trừ.

Nhiều loại sinh vật hại cây trồng

Bước vào vụ hè thu 2022, mùa mưa đến sớm nên nguồn nước đầy đủ đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân các địa phương trong tỉnh. Đơn cử, một số huyện như Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh đã triển khai xuống giống sớm, đồng loạt, phù hợp cho từng khu vực, từng cánh đồng. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, cuối tháng 5/2022, toàn tỉnh xuống giống gần 30.400 ha lúa hè thu, chủ yếu đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh; cây bắp đạt 2.586,4 ha, cây đậu phộng đạt 1.300 ha... Tuy vậy, chỉ tính trong tháng 5/2022, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ mưa lớn kéo dài gây sạt lở và ngập lụt tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh, gây thiệt hại 475 ha lúa (từ 5 ngày đến 20 ngày tuổi) và ngập trôi giống khoảng trên 300 ha lúa, trên 1.000 ha hoa màu, rau các loại.

img_2229_original.jpg
Nông dân chăm sóc lúa

Cùng với đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, trong tháng 5/2022, tình hình sinh vật hại vẫn tiếp tục phát sinh trên các loại cây trồng như lúa, thanh long, khoai mì, điều… Cụ thể trên cây lúa, bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 696 ha, tăng 227 ha so với cùng kỳ năm trước, phân bố tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Trên cây thanh long, do thời tiết có mưa nên bệnh đốm nâu có diện tích nhiễm 2.048 ha, tăng 1.325 ha so với cùng kỳ năm trước. Các đối tượng sâu bệnh khác gây hại rải rác, cục bộ trên vườn thanh long. Trên cây khoai mì, hiện toàn tỉnh có khoảng 700 ha nhiễm bệnh khảm lá virus, tăng 640 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 200 ha nhiễm nặng với tỷ lệ bệnh trên 40%...

Cần phòng trừ kịp thời

Với tình hình thời tiết hiện nay, theo ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trong tháng 6/2022, tình hình bệnh sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, chuột và ốc bươu vàng sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa hè thu. Do đó, các địa phương cần tiếp tục khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên. Qua đó, điều tra phát hiện các loại dịch hại sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cụ thể, trên cây lúa các huyện tiếp tục khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, điều tra phát hiện các loại dịch hại sớm để có biện pháp xử lý kịp thời. Bệnh đạo ôn lá, khi phát hiện lúa bị bệnh, khuyến cáo nông dân ngừng bón đạm và ka li, sử dụng các loại thuốc có hoạt chất để phun như Azoxystrobin + Difenoconazole, Fenoxanil, Tricyclazole....

Trên cây thanh long, khuyến cáo nông dân thực hiện tốt “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” của Cục Bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh đốm nâu. Riêng bệnh thối rễ tóp cành, cào lớp vật liệu tủ gốc ra ngoài và xới nhẹ xung quanh gốc để loại bỏ những rễ bị thối ra khỏi bộ rễ, sau đó sử dụng thuốc trừ nấm bệnh hoặc thuốc trừ tuyến trùng tưới đều xung quanh gốc (tưới 2 lần cách nhau 5-7 ngày). Sau 7 - 10 ngày, xử lý kích thích cây ra rễ bằng các loại thuốc kích thích sinh trưởng, bón phân hữu cơ giàu acid humic kết hợp sử dụng phân bón qua lá. Trên cây khoai mì, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm bệnh khảm lá virus để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh là 85.000 ha. Mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp và PTNT đạt sản lượng lương thực năm 2022 là 800.000 tấn. Trong đó, vụ hè thu phấn đấu đạt 274.250 tấn. Khung thời vụ chung sản xuất vụ hè thu từ ngày 5/4 đến 30/6/2022 kết thúc gieo trồng.

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đức Linh: Trên 100 ha lúa hè thu bị thiệt hại do mưa lớn, gió mạnh
BTO- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Linh cho biết, ngày 5/8 trên địa bàn huyện vừa xảy ra mưa lớn, gió mạnh, gây ngã rạp nhiều diện tích lúa hè thu sắp thu hoạch của người dân.
Nổi bật
Ngày toàn dân Phòng cháy chữa cháy - 4/10: Nâng cao khả năng xử lý các tình huống cháy, nổ cho người dân
Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Đây là nhiệm vụ đã và đang được các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ, rộng khắp đến từng khu dân cư, nhà dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ hè thu