Cụ thể, đoàn đã khảo sát thực tế các công trình kè bảo vệ bờ biển tại Khu du lịch (KDL) Victoria; KDL Hoàng Ngọc; KDL Làng Tre. Đồng thời, bàn phương án trồng hoa, cây xanh trên tuyến đường từ KDL Victoria đến KDL Centara Mirage.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT và các KDL cho biết, những năm gần đây tình trạng biển xâm thực vào đất liền gây sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Riêng tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền từ 4 đến 5 m. Nhiều vị trí bị sạt lở, biển chỉ còn cách gần khu nhà lưu trú của các cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng.
Trước thực trạng trên, một số khu du lịch tại khu vực này đã chủ động xây dựng kè tạm. Trong đó giai đoạn trước 2019 sử dụng kè mái nghiêng cấu kiện bê tông lắp ghép và kè bậc cấp xây đá chẻ.
Từ năm 2019 trở đi, bắt đầu sử dụng kè tạm túi cát geotube. Đến nay, tổng cộng có 11 cơ sở du lịch làm kè tạm túi cát. Riêng đoạn bờ bao quanh núi Cố phường Phú Hài, một số khu du lịch đã làm kè mỏ hàn đá đổ để tạo bãi, bao gồm KDL Cát Trắng, KDL Phú Hải, KDL Romana, KDL Vách đá, KDL Nhất Viên...
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, với kè tạm bằng túi cát được xây dựng tự phát, phần lớn không xin phép xây dựng nên không đồng bộ, gây mất mỹ quan và làm ảnh hưởng đến các cơ sở lân cận. Riêng các kè mỏ hàn đá đổ bước đầu đã phát huy hiệu quả tạo bãi và chống biển xâm thực.
Nhằm phòng chống biển xâm thực ổn định đường bờ, tôn tạo và giữ bãi, cải thiện cảnh quan đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất 2 giải pháp, gồm sử dụng đê giảm sóng cách bờ kết hợp kè bờ tạo cảnh quan hoặc sử dụng kè mỏ hàn kết hợp kè bờ tạo cảnh quan…
Sau khi khảo sát thực tế và nghe ý kiến của các KDL, sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đánh giá, hiện nay tại khu vực Hàm Tiến- Mũi Né, ngoài kè cứng, có khu vực kè mềm của KDL Hoàng Ngọc và Làng Tre. Cả 2 mô hình so với kè cứng có chi phí ít, an toàn cho người tắm biển. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý đối với 2 mô hình kè mềm là việc hoàn thiện thiết kế, tính toán kích thước, vật liệu xây dựng. Cần đảm bảo phù hợp địa chất và bảo trì, duy tu bảo dưỡng.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phải tiếp thu các lưu ý này. Trong đó, đảm bảo sự cần thiết, mục tiêu thực hiện việc xây dựng kè cứng và kè mềm. Nếu các KDL này bị xâm thực, nhưng nhà nước chưa có kinh phí thực hiện, doanh nghiệp tự đầu tư. Trong đó việc lựa chọn kè mềm, các KDL sẽ tiết kiệm chi phí, tạo được bãi và an toàn cho du khách hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND TP. Phan Thiết, chủ dự án tiếp tục khảo sát, đánh giá và rút ra kinh nghiệm vì sao kè mềm thường nhanh hư hỏng. Từ đó đánh giá lại mô hình, hướng dẫn bảo trì. Đến đầu tháng 7/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT cần có hướng dẫn cụ thể tại các mô hình. Riêng phương án trồng hoa, cây xanh trên tuyến đường từ KDL Victoria đến KDL Centara Mirage, đồng chí Lê Tuấn Phong giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND TP. Phan Thiết triển khai nghiên cứu trồng theo phương án phù hợp.