Theo dõi trên

Khi chủ trương được nhân dân đồng thuận

12/05/2025, 05:09

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, đòi hỏi sự thận trọng, khách quan và dân chủ. Do đó, cần có sự đồng thuận, đoàn kết cao trong hệ thống chính trị, sự chung tay của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân.

Đồng thuận từ tỉnh

Bình Thuận đã thống nhất chủ trương, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh còn 45 đơn vị hành chính (trong đó có 36 xã, 8 phường và 1 đặc khu Phú Quý). Mặc dù tiến hành với tinh thần cách mạng “vừa chạy vừa xếp hàng”, rất khẩn trương, nhưng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) tỉnh Bình Thuận vẫn bảo đảm chất lượng và được dư luận nhân dân đánh giá cao.

913e869c0666b538ec77.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với Thường trực 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông.

Theo Tờ trình của Đảng ủy UBND tỉnh, toàn tỉnh có hơn 330.000 cử tri đại diện hộ gia đình tham gia lấy ý kiến. Kết quả lấy ý kiến cử tri cho thấy sự đồng thuận cao từ người dân đối với cả 2 đề án là sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và việc hợp nhất 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông với tỷ lệ cử tri đồng ý đạt trên 98%.

Nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh cho biết, đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã khó có thể đạt 100% sự đồng thuận, nhưng nhìn chung là hợp lý và được đánh giá tốt. Trong đó về địa giới hành chính, điểm nhấn là tỉnh đã lên phương án bố trí các xã, phường trở nên gọn, phù hợp với địa dư và quản lý, phát triển. Mặt khác đề án cũng cho thấy rõ tính chất văn hóa trong việc chọn đặt tên phường, xã mới bằng những tên gọi gắn với lịch sử, văn hóa của vùng đất.

Ông Nguyễn Văn Tuần (xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) cho rằng: Chỉ trong thời gian ngắn, mà địa phương cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, điều này cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng trong cuộc cách mạng này. “Hiện nay, hạ tầng giao thông ngày càng thuận lợi, chuyển đổi số được đẩy mạnh - đây chính là nền tảng vững chắc để tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, cần phải xác định ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để tinh gọn bộ máy. Đặc biệt, qua cuộc cách mạng này, chúng tôi cũng hy vọng bộ máy nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả hơn, xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, tâm huyết phục vụ công tác” - ông Tuần cho biết.

Tán thành chủ trương sáp nhập 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh cũng đã chia sẻ: Mỗi tỉnh đều có những lợi thế riêng về tài nguyên, văn hóa, du lịch hay công nghiệp, nông nghiệp… Chính vì vậy mà sau khi sáp nhập vào các địa phương có thể bổ trợ lẫn nhau để phát triển một cách toàn diện hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) mong muốn quá trình này phải sẽ diễn ra một cách minh bạch, dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân và đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ - những trường hợp bị tác động trực tiếp bởi quá trình sắp xếp. “Tôi rất tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương thì đúng rồi, tôi hết sức chia sẻ. Nhưng đất nước chính là quê hương, chúng ta phải vì sự phát triển chung. Sáp nhập để gọn lại, tiết kiệm chỉ là một phần, sáp nhập để tạo động lực, tạo dư địa cho phát triển mới là quan trọng”!. Chính vì vậy, điều quan trọng là người đứng đầu ở mỗi đơn vị, địa phương sau khi sắp xếp phải thực sự công tâm, trách nhiệm trong bố trí, sử dụng cán bộ, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, cục bộ địa phương, gây mất đoàn kết nội bộ”, bà Phượng nói.

Thời điểm này, Bình Thuận đang chờ Đề án được Trung ương thông qua để đi vào thực hiện. Mọi công việc đã và đang được chuẩn bị một cách chủ động, tích cực nhất để khi “có lệnh” bắt tay vào sắp xếp sẽ bảo đảm thông suốt hoạt động.

05743f72bd5b0e05574a.jpg
Nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng thuận với chủ trương của Đảng (ảnh minh họa).

...đến Trung ương

Theo Bộ Nội vụ, đến ngày 8/5, đơn vị này đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh mới) và hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Qua thẩm định và tổng hợp, tất cả các địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỷ lệ trung bình đạt gần 96%. Về kết quả thông qua HĐND các cấp: Tất cả HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước đã ban hành Nghị quyết thông qua các Đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%. Kết quả trên thể hiện, chủ trương này hợp ý Đảng – lòng Dân, nhân dân đồng tình cao, đồng thời kỳ vọng sau sắp xếp hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sẽ hiệu quả hơn, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 66,91%, bảo đảm tỷ lệ giảm theo quy định của Trung ương là từ 60 - 70%, tức là từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã). Nhìn chung, việc sắp xếp trên phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và điều kiện thực tiễn của các địa phương, cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân để phục vụ người dân tốt hơn.

img2786-17467721786581919941675-1746773031237-1746773031568776524754.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Cũng theo Bộ Nội vụ, dự kiến sau sắp xếp giảm 18.449 công chức viên chức cấp tỉnh; 110.000 công chức, viên chức cấp xã. Về biên chế cấp tỉnh: Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định. Về biên chế cấp xã (xã, phường, đặc khu): Trước mắt, cơ bản giữ nguyên biên chế hiện có của cấp huyện, cấp xã hiện nay để bố trí cho cấp xã mới (trừ cán bộ, công chức cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định xin nghỉ thôi việc). Sau khi các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế/xã, phường, đặc khu (bao gồm biên chế khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã).

Mới đây, tại phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Thủ tướng đề nghị, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền; thần tốc, táo bạo hơn nữa để cả nước hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, vững bước bước vào kỷ nguyên mới

Có thể nói, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính là một việc làm khó, song sự đồng thuận của mỗi người dân trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC là sự khởi đầu thuận lợi để việc triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định, tiến độ, khoa học và hiệu quả, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận nhiều nội dung quan trọng
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản thông báo kết luận phiên họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình, tiến độ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi chủ trương được nhân dân đồng thuận