Theo dõi trên

Khi hồ Sông Quao cạn nước

30/06/2023, 05:43

Nhưng nước nguồn vẫn chưa về như mọi năm. Bây giờ, lượng nước hồ Sông Quao thấp hơn cùng kỳ đến 47 triệu khối nước, thấp nhất kể từ khi công trình đưa vào vận hành khai thác đến nay. Đã dưới mực nước chết…

Trong nguy có cơ

Gần cuối tháng 6, những cơn mưa đầu mùa rộ dần khiến quang cảnh hai bên QL 28 thuộc thị trấn Ma Lâm qua Hàm Phú, Hàm Trí rồi Thuận Hòa đã xanh mát. Thế nhưng, hồ Sông Quao nằm trên địa phận xã Thuận Hòa, với dung tích mọi năm vào giờ này khoảng 50 triệu khối nước thì bây giờ chỉ còn dưới 2 triệu khối. Vì thế, đứng trên bờ tràn công trình nhìn xuống, 2 triệu khối nước ấy nhỏ như ao nước vào mùa mưa, khi đáy hồ vốn rộng thênh thang và bây giờ đất ở đây đã cứng như bãi đất trống cho nhiều người qua lại vui chơi. Đang là mùa hè. Nhiều bạn trẻ túm tụm từng nhóm, trải bạt, mang theo đồ ăn, thức uống đang trong cuộc rong chơi dưới… đáy hồ.

kho-han-1-.jpg
Nước hồ Sông Quao đang ở mực nước chết.

- Hấp dẫn chứ, chúng em chưa bao giờ nghĩ có 1 ngày lại được ngồi quây quần dưới lòng hồ Sông Quao như thế này - Một bạn trẻ nói với sự hứng thú mà ở tuổi của bạn, khoảng 15 - 16 gì đấy chắc chắn là mùa hè nào cũng thấy nước hồ Sông Quao mênh mông.

- Chúng em là đi chơi muộn á. Từ tháng 4 nghe các bạn kháo nhau, nước hồ Sông Quao cạn nên cứ cuối tuần, họ lên đây vui chơi như chuyến đi picnic ngàn năm có một. Vì nghe má em nói có bao giờ hồ Sông Quao cạn nước đâu. Sao năm nay lại thế…

Sao năm nay lại thế? Không ai biết vì sao, khi càng ngày người ta nhận ra với biến đổi khí hậu rất thích hợp với cụm từ “diễn biến phức tạp, bất ngờ”, như Hàm Thuận Bắc vào mùa mưa này. Ở vùng thượng nguồn của lưu vực sông Quao, thuộc địa giới Bình Thuận lẫn Lâm Đồng, không hiểu sao từ đầu mùa mưa đến nay không có nổi một cơn mưa gọi là. Trong khi dưới đồng bằng, những cơn mưa ngang xuất hiện thường xuyên vào mỗi trưa chiều. Đó là 1 lý do dù không phải chính nhưng kích thích người dân Hàm Thuận Bắc sản xuất hè thu với diện tích 12.867 ha, trong đó cây lúa vẫn hơn 9.000 ha qua 2 đợt xuống giống. Có nghĩa vẫn sản xuất bình thường. Trong khi đó, nước hồ Sông Quao cứ ít dần theo thời gian, khi cuối tháng 3/2023 còn trên 24 triệu m3 nước và bây giờ đang ở mực nước chết. Dưới lòng hồ, đơn vị quản lý đang tranh thủ sửa chữa lại cống lấy nước nên quang cảnh của công trình thủy lợi lớn thứ nhì toàn tỉnh này vốn bao la, hùng vĩ lẫn bí ẩn xưa nay, giờ phơi bày thật rõ.

“Rõ nhất có lẽ là cánh cống nằm sâu dưới mực nước 22m của hồ. Kể từ khi vận hành đưa vào khai thác đến nay đã hơn 25 năm, cánh cống chưa được sửa chữa nên mỗi khi phải đóng nước thì cũng đồng nghĩa rò rỉ hơn 100.000 khối nước trong 1 ngày đêm”, ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng Quản lý tưới, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận nói thế như đang gắng nhìn mặt được của tình hình hồ Sông Quao cạn nước. Thật sự, công ty đang tận dụng thời điểm này, tranh thủ tập trung lực lượng sửa chữa lại cống lấy nước để khắc phục tình trạng rò rỉ nước và bảo đảm an toàn cho công trình. Ông Khoa khẳng định rằng, nếu có mưa nguồn đổ về thì hồ vẫn tích nước bình thường, chứ không ảnh hưởng gì. Nhưng nước nguồn vẫn chưa về như mọi năm. Bây giờ, lượng nước hồ Sông Quao thấp hơn cùng kỳ đến 47 triệu khối nước, thấp nhất kể từ khi công trình đưa vào vận hành khai thác đến nay. Với những ai biết vai trò của công trình này sẽ quan tâm đủ thứ như tôi đã gấp gáp hỏi tới, khi đứng trước quang cảnh trơ trọi nước của Sông Quao. “Có bao giờ không có nguồn cho các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt ở TP. Phan Thiết không?”, “Có khi nào trong mùa mưa mà không đủ nước tưới hơn 9.000 ha lúa hè thu của Hàm Thuận Bắc?”.

kho-han-2-.jpg
Đơn vị quản lý sửa chữa cửa cống lấy nước hồ Sông Quao.

Câu hỏi cho mùa khô tới…

Chúng tôi đi theo tuyến kênh 812 – Châu Tá, tuyến kênh chuyển nước từ nguồn nước xả sau Nhà máy thủy điện Đại Ninh và năm nay có thêm nguồn từ hồ Sông Lũy thuộc địa bàn Bắc Bình về Hàm Thuận Bắc, vào những ngày này, nước luôn có nhiều trong kênh. Những cánh đồng lúa gần 2 tháng tuổi, chuẩn bị trổ đòng nằm ven kênh thuộc xã Hàm Trí, Thuận Hòa đang xanh mơn mởn, không có vẻ gì thiếu nước. Xa hơn, qua khu tưới Sông Quao, dù nước hồ đã cạn nhưng những cánh đồng nối dài đến gần TP. Phan Thiết, lúa vẫn đang sinh trưởng tốt. Tất cả là nhờ nước được chuyển về từ Bắc Bình qua tuyến kênh 812 – Châu Tá tỏa đi các vùng đồng. Hình ảnh này khiến tôi cứ cảm nhận như một ví dụ rõ nhất cho việc thắng thiên nhiên. Không phải cho tình cảnh hiện tại mang tính như hỗ trợ, khi Bắc Bình có nước dồi dào đang san sẻ cho Hàm Thuận Bắc thiếu nước, mà còn vì câu chuyện hơn 10 năm trước, lãnh đạo tỉnh và ngành thủy lợi tỉnh đã nhìn thấy trước tình trạng nơi dư, nơi thiếu nước ấy mà nỗ lực xây dựng tuyến kênh chuyển nước 812 – Châu Tá này.

Từ năm 2010, thời điểm đánh dấu tuyến kênh hoàn thành đến nay, hàng năm công trình đã mang bình quân khoảng 200 triệu m3 nước xả sau của thủy điện Đại Ninh qua tuyến đường dài hơn 30 km nối liền 2 huyện. Tuyến kênh không chỉ bảo đảm tưới cho 8.500 ha đất nông nghiệp của 2 nơi mà còn bổ sung nước chống hạn cho khoảng 12.000 ha đất canh tác thuộc các xã phía Nam huyện Bắc Bình, các xã phía Bắc huyện Hàm Thuận Bắc và khu tưới Sông Quao. Đặc biệt, còn giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và chăn nuôi cho các xã dọc theo tuyến kênh và các vùng phụ cận TP. Phan Thiết.

Nhờ bổ sung nguồn nước từ công trình này, mà hồ Sông Quao vốn dĩ ban đầu chỉ cấp nước tưới bấp bênh được 18.400 ha/năm thì sau đó đã tạo ra diện tích tưới ổn định lên 25.760 ha, tăng khoảng 7.360 ha. Đó là chỉ lấy nước xả sau của thủy điện Đại Ninh. Năm qua, Bắc Bình có thêm “kho nước” từ hồ Sông Lũy nên nguồn nước để chuyển đến vùng thiếu nước hơn thêm phần đảm bảo. Như vụ hè thu này của Hàm Thuận Bắc, hồ thủy lợi tại chỗ cạn nhưng hầu như không ảnh hưởng gì đến sản xuất của nông dân ở đây. Nhớ những năm trước xa, khi chưa có tuyến kênh chuyển nước, hồ Sông Quao ít nước chứ không ở mực nước chết như bây giờ nhưng đã phải cắt giảm diện tích sản xuất, tưới thanh long luân phiên khiến cuộc sống người dân xao xác vì nước. Bao người vác cuốc lên tận hồ thủy lợi để xem tình hình… Vì thế, hôm ấy, ông nông dân ở xã Hàm Trí đi thăm đồng tình cờ gặp chúng tôi, hỏi thăm đại ý rằng: “Nghe nói hồ Sông Quao cạn nước. Đây là điều chưa từng xảy ra. Cũng phải 25 năm, kể từ khi hồ được xây dựng…” đã cho thấy lịch sử rối rắm từ nước đã không lặp lại.

“Vụ hè thu này của Hàm Thuận Bắc sẽ không thiếu nước đâu. Nhưng nếu trời không mưa, lo nước không đủ trong mùa khô tới, khi hiện tại tổng lượng nước các hồ trong tỉnh và thủy điện còn lại 297 triệu m3 đạt 26% thiết kế; thấp hơn 97 triệu m3 so với cùng kỳ” – ông Khoa nói trong lúc chúng tôi chạy trốn cơn mưa ngang đồng ở Hàm Trí nhưng cũng kịp thấy phía núi xa, trời vẫn ráo hoảnh. Nỗi mong bao giờ có mưa nguồn ở lưu vực Sông Quao trỗi dậy. Thế rồi, khi bài báo này lên khuôn, tôi nhận được tin báo của Hàm Thuận Bắc rằng 2 buổi chiều qua đã có mưa nguồn về và nước Sông Quao lên được gần 2 m nước…

Hình ảnh này khiến tôi cứ cảm nhận như một ví dụ rõ nhất cho việc thắng thiên nhiên. Không phải cho tình cảnh hiện tại mang tính hỗ trợ, san sẻ nước mà còn vì câu chuyện hơn 10 năm trước, lãnh đạo tỉnh và ngành thủy lợi tỉnh đã nhìn thấy trước tình trạng nơi dư, nơi thiếu nước ấy mà nỗ lực xây dựng tuyến kênh chuyển nước 812 - Châu Tá này.

PHÓNG SỰ: BÍCH NGHỊ


(1) Bình luận
Bài liên quan
Hiệu quả từ mô hình sản xuất giống lươn đồng
Từ nhiều năm nay, nông dân xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam) đã biết tận dụng diện tích đất sau nhà xây bể và lợi thế nguồn nước, thức ăn cá tạp để phát triển nuôi các loài thủy sản nước ngọt, có giá trị kinh tế cao: Mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi cá chình bông trong bể xi măng… nhằm tăng thu nhập cho gia đình do lợi nhuận rất tốt, nhất là mô hình nuôi lươn thương phẩm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi hồ Sông Quao cạn nước