Theo dõi trên

Hiệu quả từ mô hình sản xuất giống lươn đồng

29/06/2023, 05:55

Từ nhiều năm nay, nông dân xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam) đã biết tận dụng diện tích đất sau nhà xây bể và lợi thế nguồn nước, thức ăn cá tạp để phát triển nuôi các loài thủy sản nước ngọt, có giá trị kinh tế cao: Mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi cá chình bông trong bể xi măng… nhằm tăng thu nhập cho gia đình do lợi nhuận rất tốt, nhất là mô hình nuôi lươn thương phẩm.

Mặc dù nghề nuôi lươn thương phẩm đã được nông dân ứng dụng hơn 4 năm, nhưng nguồn lươn giống vẫn phụ thuộc vào các tỉnh khác hoặc từ tự nhiên và thời gian thả giống phụ thuộc vào mùa vụ. Cách đánh bắt lươn giống chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác lươn giống tận diệt, khai thác không gắn liền với công tác bảo vệ hay tái tạo nên sản lượng lươn ngoài tự nhiên suy giảm trầm trọng; chất lượng con giống không đảm bảo, không đồng đều và dễ nhiễm bệnh trong quá trình nuôi.

z4470350639690_1fb44fe6f3ecc18c5c63dd803c0d68e7.jpg

Là nông dân ở thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, ông Đặng Minh Hiệp với bản tính siêng năng, ham học hỏi và mạnh dạn ứng dụng cái mới vào sản xuất. Thấu hiểu nỗi vất vả của người nuôi lươn khi phải mua giống tự nhiên, tỷ lệ sống lươn nuôi không cao và phải phụ thuộc vào mùa vụ; cũng như con giống từ các tỉnh khác nên ông đã có ý nghĩ sản xuất giống lươn để thay thế lươn giống tự nhiên và chủ động tại chỗ.

Trong năm 2022, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp đã triển khai đề tài khoa học công nghệ: Mô hình sản xuất giống lươn đồng Monopterus albus (Ziuew, 1793) tại huyện Hàm Thuận Nam, dưới sự hướng dẫn của cán bộ trung tâm cộng với sự đam mê và lòng quyết tâm, ông Hiệp đã mạnh dạn đứng ra thực hiện đề tài. Sau 5 tháng thực hiện, với quy mô 500 m2 thả 400 kg lươn bố mẹ, mô hình sản xuất giống đã xuất bán được 50.000 con lươn giống, trừ các chi phí ban đầu lợi nhuận đạt trên dưới 116 triệu đồng và còn đàn lươn bố mẹ cộng với các thiết bị phục vụ cho công việc sản xuất lươn giống. Đến nay, mô hình sản xuất lươn giống của ông Đặng Minh Hiệp đã phát triển 20 bể với diện tích 600 m2 cùng năng lực sản xuất hơn 100.000 lươn giống/năm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới.

Mô hình sản xuất giống lươn đồng đã được nhiều địa phương lân cận tham quan học tập và đặt con giống nuôi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề tài còn xây dựng mối liên kết giữa cơ sở sản xuất giống đến hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao và ổn định cho nông dân. Mặc dù số lượng lươn giống cung cấp chưa đủ so với nhu cầu lươn giống hiện nay, nhưng mô hình thành công bước đầu đã chứng tỏ nông dân biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện theo hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Hy vọng trong thời gian tới mô hình sản xuất giống lươn sẽ tiếp tục được nhân rộng trong nhân dân để đáp ứng đủ số lượng lươn giống chất lượng cho người nuôi lươn thương phẩm, cũng như góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Mô hình này rất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

TRƯƠNG KHOA


(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ mô hình sản xuất giống lươn đồng