Theo dõi trên

Khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm…

27/10/2023, 05:08

Lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đây cũng là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Có thể nói, từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6/2013, đến nay Quốc hội đã 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong đó, Quốc hội khóa XIII đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013) và tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014). Quốc hội khóa XIV đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018). Lần này, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là lần thứ tư Quốc hội tiến hành công việc quan trọng này.

tin-nhiem.jpg
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội.

Trước đó, trên cơ sở cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết được ban hành lần này có nhiều điểm nhấn so với Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trước đây.

Đó là Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định rất cụ thể và chi tiết hơn về việc những người được lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm viết báo cáo về kết quả hoạt động của mình từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quy định rất chi tiết về các nội dung báo cáo, đặc biệt là về trách nhiệm, sự cam kết, những sản phẩm mà những chức danh đó đã được đảm nhiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo ra được những chuyển biến gì, sản phẩm gì đối với chức trách, nhiệm vụ được giao, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của vị trí đang đảm nhận. Bên cạnh đó, phẩm chất đạo đức, lối sống, sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm đặc biệt được quan tâm. Đây là hai nội dung rất căn bản mà trong đó nội dung báo cáo về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã có quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định rất rõ hệ quả kết quả lấy phiếu của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với hai nội dung rất căn bản. Theo đó, những người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Qua đó có thể thấy được vai trò của quan trọng và tính thiết thực của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đối với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn. Vì vậy, với vai trò và trách nhiệm được đại diện cho cử tri, việc được bỏ lá phiếu nhận xét đối với các chức danh là vấn đề rất hệ trọng đối với từng đại biểu Quốc hội. Với sự công tâm, khách quan và cách làm khoa học, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 96/2023/QH15, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ tiếp tục là một trong những thành công để giúp cho hoạt động của bộ máy nhà nước có những bước phát triển mới cho những năm còn lại của nhiệm kỳ, cũng là kinh nghiệm cho những khóa tiếp theo.

Kết quả tín nhiệm mà Quốc hội vừa công bố, cho thấy các đại biểu Quốc hội đã cân nhắc và suy nghĩ rất kỹ lưỡng, khách quan, công tâm, qua đó thể hiện trách nhiệm trong việc tín nhiệm của mình theo các mức độ đối với từng cá nhân giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là sự khẳng định niềm tin của từng đại biểu Quốc hội đối với cử tri cả nước khi thực hiện trọng trách này trước Đảng, Nhà nước, nhân dân.                  

BẢO TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Người dân mong sớm sửa chữa tuyến đường ĐT 711
Đường ĐT 711 xuống cấp trầm trọng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, đi lại hàng ngày, người dân mong ngành chức năng quan tâm sớm nâng cấp, sửa chữa.
Nổi bật
Cử tri thị trấn Tân Nghĩa và xã Tân Phúc kiến nghị giải quyết thủ tục pháp lý về đất đai
BTO-Trong ngày 4/5, ông Nguyễn Hữu Thông - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận đã lần lượt tiếp xúc cử tri thị trấn Tân Nghĩa và xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số sở ngành, đơn vị liên quan của tỉnh, lãnh đạo huyện Hàm Tân và địa bàn cơ sở nơi ĐBQH tiến hành tiếp xúc cử tri.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm…