Trong 3 năm gần đây, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 205 vụ án khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong đó có 183 vụ án khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp. Và theo từng năm, số lượng án hành chính thụ lý ngày càng tăng. Nếu năm 2015, TAND các cấp chỉ thụ lý 45 vụ án hành chính, thì sang năm 2016, tăng lên 63 vụ và năm 2017 tăng lên 97 vụ. Trong tổng số vụ án khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND thì những quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhà ở chiếm số lượng lớn, chiếm 90,16%. Số lượng quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp bị tuyên hủy hoặc bị tuyên trái luật 35 vụ, chiếm tỷ lệ 19,12%.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng các vụ án hành chính bị khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND các cấp tăng vọt trong 3 năm qua, chủ yếu là do sự thay đổi chính sách pháp luật. Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐTP của TAND tối cao cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu kiện các quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 (có nội dung giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại lần 1); Luật tố Tụng hành chính năm 2015 mở rộng chủ thể ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khiếu kiện. Đặc biệt do nhận thức về pháp luật của người dân ngày càng nâng lên.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong tham gia giải quyết các vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia các vụ án hành chính, người bị kiện (Chủ tịch UBND, UBND các cấp), đại diện theo pháp luật của người bị kiện chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng mà không được ủy quyền cho người khác. Hiện nay số lượng án hành chính tăng lên rất nhanh nên các địa phương cũng đang gặp khó khăn. Trong 3 năm, số lượng bản án, quyết định của tòa án đã được thi hành là: 178 vụ; số lượng bản án, quyết định của tòa án đang tổ chức thi hành là 5 vụ, trong đó: UBND tỉnh 1 vụ, UBND TP. Phan Thiết 3 vụ, UBND thị xã La Gi 1 vụ (Cơ quan thi hành án các cấp đã ra thông báo tự nguyện thi hành án theo quy định và triển khai các thủ tục tiếp theo để giải quyết theo đúng quy định).
Có thể thấy, công tác thi hành án hành chính trong thời gian gần đây đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan thi hành án dân sự quan tâm, chú trọng. Hầu hết các vụ việc thi hành án hành chính đã được cơ quan Thi hành án dân sự ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với người phải thi hành án. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, trong quá trình thực hiện theo dõi thi hành án hành chính vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, trong phần quyết định của tòa án, những bản án hành chính về khiếu kiện quyết định hành chính, chỉ tuyên hủy quyết định hành chính hoặc hủy giấy chứng nhận QSDĐ... mà không tuyên cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào nên khó khăn trong việc theo dõi, tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc theo dõi thi hành án hành chính là công việc mới, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thi hành án hành chính chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến tổ chức thực hiện công tác này có lúc chưa kịp thời. Đa số người phải thi hành án là cơ quan nhà nước nhưng có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng chậm tổ chức thực hiện bản án, quyết định của tòa án.
MINH VÂN