Theo dõi trên

Khởi nghiệp từ sản phẩm táo xanh sấy dẻo

03/09/2024, 05:19

Táo Tuy Phong là loại trái cây phổ biến và thường được thêm vào các món tráng miệng được nhiều người yêu thích, nhưng để mang theo khi đi xa và dài ngày thì không đơn giản. Vì thế, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong) đã biến ý tưởng sản xuất táo sấy dẻo ít đường thành sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường đón nhận.

img_4204.111.jpg
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (trái) đang giới thiệu sản phẩm táo sấy dẻo ít đường cho khách hàng.

Dù gia đình không có đất trồng táo, nhưng sinh ra và lớn lên trong ngôi làng vốn nổi tiếng với cây trồng này, nên chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh luôn đau đáu khi thấy người nông dân rơi vào bài toán được mùa mất giá. Bản thân chị cũng rất thích các loại sản phẩm trái cây sấy khô, sấy dẻo, bởi chúng là món đồ ăn vặt hàng ngày vừa tiện lợi khi mang xách, vừa ngon miệng. Thực tế cho thấy, nhu cầu của người dùng về mặt hàng này ngày càng cao. Trong khi hoa quả tươi thường có theo mùa. Điều đó có nghĩa là không phải lúc nào muốn ăn là sẵn có. Nhưng ngược lại, hoa quả sấy có thể giữ được nguyên vị của trái cây, bảo quản được lâu hơn và giá cả thường ở mức hợp lý.

img_4139(1).jpg
Sản phẩm táo sấy dẻo được đóng bao bì.

Nhận thấy cơ hội có thể khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã bắt đầu làm thử những mẻ táo sấy dẻo đầu tiên vào đầu năm 2023. Quá trình thực hiện không hề suôn sẻ mà đã phải bỏ đi rất nhiều nguyên liệu. Nhưng được sự hỗ trợ của chồng và mẹ chồng, cuối cùng thành phẩm táo xanh sấy dẻo cũng hoàn thành, trở thành món quà biếu được người thân, đồng nghiệp, bạn bè yêu thích và động viên nên mở hướng phát triển.

Từ một vài chục kg thành phẩm ban đầu, giờ đây, sau hơn 1 năm biến ý tưởng thành hiện thực, chị Ánh phải gom hơn 1 tấn táo xanh mỗi tháng mới đủ lượng hàng giao cho khách. Kênh phân phối sản phẩm đa phần là bán lẻ tại các quán ăn, cà phê tại Khu du lịch Bình Thạnh và trên địa bàn huyện Tuy Phong. Ngoài ra, một số mối vận chuyển còn đặt để mang tới thị trường ở Đà Lạt, Long An, TP. Hồ Chí Minh…

Chia sẻ cách làm, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết: Táo sau khi được thu gom về sẽ được phân loại, ngâm rửa sạch sẽ trước khi tẩm ướp đường. Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với khẩu vị nhiều lứa tuổi, tôi đã giảm lượng đường trong quá trình chế biến. Sau đó rim trong điều kiện lửa nhỏ 3 – 4 tiếng, rồi đưa vào sấy khoảng 9 tiếng mới đóng gói. Cứ 5 kg táo tươi sẽ được 1 kg táo khô. Mỗi tháng từ sản phẩm táo sấy này mang lại cho gia đình nguồn thu từ 9 – 10 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế và tiềm năng phát triển, chị Ánh đã đăng ký tham gia hội thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Dự án khởi nghiệp này đã được giải khuyến khích ở vòng chung kết. Đây là động lực để chị mở hướng, dự kiến sẽ thuê thêm nhân công, đầu tư thêm máy sấy, máy hút chân không.

Giờ đây, sản phẩm táo sấy dẻo ít đường không chỉ là thứ đặc sản riêng mà còn rất tiềm năng vì tính tiện lợi cho cuộc sống công nghiệp, cũng như đáp ứng nhu cầu dùng sản phẩm quê nhà của người dân đang ở xa xứ.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh có thể hiểu là thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng không gây hại tới môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Trên tinh thần đó, cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 đã khẳng định sự năng động, đổi mới không ngừng của hội viên, phụ nữ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi nghiệp từ sản phẩm táo xanh sấy dẻo