Theo dõi trên

Không lùi bước trước nỗi đau da cam

22/02/2023, 05:39

Có thể sinh ra cơ thể không được khỏe mạnh như bao người, nhưng bằng ý chí và nghị lực, chị Bùi Thị Nam Kỹ (Đức Linh) đã vượt lên nỗi đau, nỗ lực phấn đấu, trở thành những người có ích cho xã hội.

Người con gái giàu nghị lực

Được gặp chị trong một buổi tuyên dương những tấm gương nạn nhân chất độc da cam điển hình tiên tiến do Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh tổ chức. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là sự kiên cường, trong thân hình nhỏ bé với đôi chân bị teo nhỏ, đi lại rất khó khăn nhưng luôn nở nụ cười. Với cây nạng, chị tự mình cố gắng đi mà không muốn nhờ ai giúp đỡ. Đến khi biết thêm về hoàn cảnh của chị, chúng tôi càng thêm khâm phục.

Cô gái nhỏ bé ấy có tên Bùi Thị Nam Kỹ (SN 1985) ở thôn 3, xã Mê Pu, huyện Đức Linh. Chị Kỹ sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, nay chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn để lại hậu quả nặng nề cho gia đình chị với 4 người bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó, chị Kỹ là người bị nặng nhất với cơ thể và đôi chân khi sinh ra đã mềm oặt. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, cha mẹ chị đã chạy chữa khắp nơi nên chị có thể cử động và bước đi chập chững ở tuổi lên 5. Đến tuổi đi học, với khát vọng được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa, chị năn nỉ được đi học. Thương con, dù công việc bận rộn vất vả, hàng ngày cha mẹ và anh trai chị Kỹ vẫn thay nhau đưa đón chị đi học. Do cố gắng vận động nhiều nên dẫn đến cơ thể bị cong vẹo cột sống, sức khỏe càng thêm yếu cộng với trường cấp 3 xa nhà nên học hết lớp 9 chị đành nghỉ học. Sau nhiều đêm khóc do thương cha mẹ, bản thân không giúp được gì, năm 20 tuổi chị đã quyết tâm xin mẹ cho đi học may.

chi-ky-2.jpg

Nói về khoảng thời gian này, chị Kỹ cho hay những ngày đầu học may thật sự vất vả, bản thân không có được sức khỏe như mọi người nên càng phải cố gắng nhiều hơn. Chị luôn đi sớm về muộn để làm tất cả những việc như ủi đồ, đơm nút, làm khuy… Sau gần 2 năm, chị đã học xong nghề và được gia đình hỗ trợ mở tiệm may. Nhưng có lẽ còn ngần ngại sức khỏe cũng như tay nghề nên sau hơn 2 tháng mở tiệm không có khách, chị đành trả lại mặt bằng và quyết định vào trường khuyết tật. Trong trường chị hướng dẫn cho các bạn khiếm thính học may, được đi giao lưu với các bạn cùng cảnh ngộ đã giúp chị thêm tự tin và mạnh mẽ hơn. Sau khi trường giải thể, chị tiếp tục được giới thiệu qua 1 tiệm may và có thể tự kiếm thêm tiền để gửi về cho gia đình.

Hạnh phúc giản đơn

Với kinh nghiệm may lành nghề chị trở về nhà, thời gian đầu chị nhận đồ về nhà may, thời gian rảnh phụ mẹ đơm hạt cườm, làm hạt sen… kiếm thêm thu nhập và hướng dẫn cho mấy bạn khuyết tật học may. Đến nay công việc may của chị đã ổn định để tự nuôi bản thân và đứa con gái khỏe mạnh xinh xắn đang học lớp 3.

chi-ky-1.jpg

“Hàng ngày được thấy con gái khỏe mạnh, vui tươi đến trường, bản thân có công việc ổn định và có khách hàng thân quen là niềm hạnh phúc của tôi. Nhờ sự yêu thương của gia đình, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đức Linh cho vay vốn 10 triệu đồng để mua thêm máy vắt sổ đã giúp tôi tự tin đứng lên trên đôi chân tật nguyền của mình. Tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng kiên cường hơn, phải có ý chí vươn lên trong cuộc sống để không phụ lòng cha mẹ đã chịu nhiều vất vả nuôi nấng, để cảm ơn những người đã luôn đồng hành giúp đỡ trong cuộc sống. Và bản thân tôi sẽ là chỗ dựa vững chắc cho con gái”, chị Kỹ chia sẻ.

Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Đức Linh Phạm Thị Hà cho biết, với tinh thần “tàn nhưng không phế”, Kỹ luôn cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn bệnh tật, thiếu thốn về vật chất để lo cho cuộc sống gia đình ổn định. Kỹ xứng đáng là tấm gương sáng vượt lên số phận, không lùi bước trước nỗi đau da cam để nhiều người được biết đến và học tập, làm theo.

NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vận động hơn 5,7 tỷ đồng chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam
BTO-Sáng 23/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức tổng kết hoạt động công tác hội năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2023.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không lùi bước trước nỗi đau da cam