Hệ lụy lâu dài
Những năm qua, chỉ với chiêu bài “tuyển nhân viên làm việc nhẹ lương cao”, tội phạm mua bán người đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào cảnh khốn cùng, hầu hết nạn nhân của chúng đều lâm vào cảnh sống dở chết dở, thậm chí có người phải tìm đến cái chết để “giải thoát”, mà sự việc anh Đ. nạn nhân ở La Gi là một minh chứng. Loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này không chỉ gây ra những đau đớn, mất mát cả về tài sản lẫn tinh thần đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân mà còn để lại hệ lụy lâu dài đối với xã hội. “Con mồi” mà các đối tượng hướng đến thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, ít hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, hoặc những trẻ em gái mới lớn, hiểu biết hạn chế, ham chơi, đua đòi, thiếu sự quản lý của gia đình.
Không chỉ có vậy, từ vụ án mà Công an tỉnh Bình Dương vừa triệt phá cho thấy, nạn nhân của tội phạm mua bán người còn có cả trẻ sơ sinh. Và chúng sẽ không từ một thủ đoạn nào để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội của mình. Đối tượng sau khi mua trẻ sẽ ngay lập tức rao bán lại cho người khác mà không cần biết người mua trẻ tiếp theo này nhằm vào mục đích gì. Một sự thật đau lòng trong vụ án này được công an công bố khi đã có 31 trẻ sơ sinh bị đem ra mua bán. Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, bước đầu đã xác định tham gia đường dây này có 16 nghi phạm ngụ ở các tỉnh: Đắk Nông, Bình Phước, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Khánh Hòa. Cầm đầu là Nguyễn Thị Ngọc Như (29 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh).
Để “hành nghề”, Nguyễn Thị Ngọc Như thường chủ động tìm những phụ nữ đang mang thai, những người mới sinh con tại bệnh viện nhưng không muốn nuôi con do hoàn cảnh khó khăn, lầm lỡ, hoặc lý do khác… Khi tiếp cận, người này đặt vấn đề xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh và sẽ bồi dưỡng cho mẹ bé một khoản tiền nhất định. Sau khi mua trẻ sơ sinh, đối tượng lên các trang mạng xã hội, chủ yếu là các hội nhóm, nhóm kín Zalo để rao bán các bé với giá từ 35 - 60 triệu đồng/bé. Kèm theo mỗi bé là bộ hồ sơ giả gồm giấy chứng sinh, giấy xác nhận ADN, giấy khai sinh… được đối tượng bán với giá từ 30 - 40 triệu đồng/bộ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các bé nếu khách mua có nhu cầu.
Phải nêu cao tinh thần cảnh giác
Tại Bình Thuận, những năm gần đây chưa phát hiện hành vi mua bán trẻ sơ sinh, song loại tội phạm mua bán người đến nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Bởi theo thống kê của Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, năm nay các cơ quan chức năng của tỉnh tỉnh đã tiếp nhận 5 đơn trình báo của người dân ở huyện Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi vì nghi liên quan đến mua bán người sang Campuchia. Ngay khi nhận thông tin, Công an tỉnh đã tổ chức xác minh, đề nghị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an tiến hành giải cứu các nạn nhân nghi bị mua bán. Ngoài ra, Công an tỉnh còn ngăn chặn một xe khách khi xe này chở 3 thanh niên ở Hà Nội, Bắc Giang, Sơn La là người nghi bị lừa bán sang Campuchia. Vụ việc này, Công an tỉnh đã thông báo đến Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) để xác minh làm rõ theo thẩm quyền.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, tỉnh đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo; đồng thời đề nghị người dân cảnh giác, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm tham gia giúp đỡ nạn nhân của tội phạm mua bán người. Các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, cơ sở giáo dục cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, người lao động và nhân dân trước những phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm mua bán người. Công an các đơn vị, địa phương cũng đang tăng cường lực lượng nắm tình hình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng móc nối, lôi kéo sang nước ngoài lao động bất hợp pháp, tình trạng mai mối kết hôn với người nước ngoài, đi làm thuê bằng visa du lịch; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm…