Cùng với đó, UBND tỉnh đã đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ với phương châm “sản phẩm đặc sắc- dịch vụ chuyên nghiệp- thủ tục thuận tiện và đơn giản- giá cả cạnh tranh- môi trường vệ sinh sạch và đẹp - điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”.
Với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời tăng tính trải nghiệm cho du khách, hiện nay các sản phẩm du lịch ở Bình Thuận được định hình và phát triển trải dài cả tỉnh. Ở phía Bắc tỉnh, cùng với Bàu Trắng, biển Cổ Thạch, các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch nhà vườn đang “hút” khá đông du khách đến trải nghiệm. Ở phía Nam, ngoài các chuỗi resort cao cấp, các bãi biển đẹp, hệ thống nhà hàng ẩm thực thì các công viên chủ đề, công viên giải trí sôi động như Đồi kỳ quan Wonder Hill, Lãnh địa khủng long Dino Park, Safari Cafe, Wonderland Water Park, Circus Land tại Đô thị kinh tế du lịch giải trí NovaWorld Phan Thiet… cũng là các điểm đến hứa hẹn sôi động trong mùa hè này.
Thông tin từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương cho biết, mùa hè năm nay, nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của dòng khách là các công ty, đơn vị, trường học năm nay vẫn ổn định như mọi năm. Bên cạnh đó, dòng khách đi theo nhóm nhỏ gia đình, bạn bè vẫn chiếm số lượng lớn. Nhiều doanh nghiệp du lịch đưa ra nhiều chương trình kích cầu đón đầu cho mùa hè này như chương trình: Hello Sunny; Chào hè rực rỡ; Mùa hè bên biển… với các combo khuyến mãi giá phòng, tặng kèm dịch vụ câu cá, bữa ăn, massage…
Ông Lương Quốc Hiếu, Quản lý Malibu resort cho biết: hiện nay đơn vị ghi nhận lượng đặt chỗ trước cho mùa hè này với công suất phòng khoảng 70%, trong đó cao điểm rơi vào các ngày cuối tuần. Khách đặt trước là các đơn vị lữ hành, công ty tour. Lượng phòng còn lại sẽ phục vụ các nhóm khách lẻ đi tự túc vào mùa hè. Thị trường khách chủ yếu từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên… Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đơn vị cũng đẩy mạnh hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ phục cho giai đoạn cao điểm hè.
Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, bãi biển đẹp, hải sản phong phú thì việc kết nối giao thông, nhất là việc khai thác tuyến cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết và Phan Thiết- Vĩnh Hảo đã mở ra lợi thế du lịch cho Bình Thuận. Rõ nét nhất chỉ trong 4 tháng đầu năm, Bình Thuận đón 2,99 triệu lượt khách (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Doanh thu du lịch ước đạt 7.888 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu đáng mừng thì du lịch Bình Thuận cũng đang đứng trước sự cạnh tranh và thách thức để thu hút du khách trong bối cảnh cạnh tranh với các tỉnh lân cận khi đã có thêm nhiều tuyến cao tốc được kết nối. Điển hình như tuyến Cam Lâm- Vĩnh Hảo đưa vào khai thác, giúp rút ngắn khoảng cách từ TPHCM đến Nha Trang, Ninh Thuận…
Việc phát động kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” được được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực, giúp tăng tỉ lệ khách du lịch nội địa không chỉ trong cao điểm hè mà xuyên suốt trong năm 2024; góp phần đưa Bình Thuận đạt mục tiêu đón 9,5 triệu lượt khách trong năm nay.