Theo dõi trên

Kiểm soát “ma men” điều khiển xe trên đường

28/02/2023, 05:32

Sử dụng rượu, bia dù ít hay nhiều đều làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cho người lái xe, do phản ứng chậm, hoạt động bị hạn chế, tầm nhìn bị ảnh hưởng. Người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT và nhiều hành vi vi phạm khác.

Thay đổi cách kiểm tra nồng độ cồn

Vòng xoay tòa nhà Viettel, TP. Phan Thiết những ngày cuối tháng 2 thường xuyên có mặt những chiến sĩ CSGT thực hiện nhiệm vụ đo nồng độ cồn những người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Khác với những lần kiểm tra trước đây, lần này lực lượng CSGT đã thay đổi phương án đo nồng độ cồn. Nếu như trước đây chỉ kiểm tra cố định một chỗ thì nay đã có thêm những tổ tuần tra lưu động. Khi phát hiện những trường hợp khả nghi, cố tình rẽ vào các tuyến đường khác khi phát hiện tổ kiểm tra thì lực lượng sẽ cử người đi theo. Điều này đã hạn chế tình trạng người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia né kiểm tra nồng độ cồn. Việc kiểm tra nồng độ cồn cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, khi kiểm tra nồng độ cồn chỉ trải qua 1 bước là đo định lượng xác định nồng độ cồn có trong 1 lít khí thở. Điều này sẽ mất nhiều thời gian. Hiện nay, lực lượng CSGT đã áp dụng cách thức mới, trải qua 2 giai đoạn là đo định tính trước, sau đó mới đo định lượng. Khi mời tài xế vào kiểm tra nồng độ cồn thì lực lượng CSGT sẽ đo định tính xác định người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia hay không. Cả quá trình này diễn ra trong vòng khoảng 30 giây kể từ khi dừng xe cho đến khi kết thúc kiểm tra bước 1. Nếu trong hơi thở không có cồn thì tài xế sẽ được mời tiếp tục di chuyển còn nếu phát hiện ra chất cồn trong hơi thở thì lực lượng CSGT sẽ tiếp tục đo định lượng xác định chính xác nồng độ cồn trong 1 lít khí thở. Quy trình 2 bước này đã giảm 1/2 thời gian đo nồng độ cồn so với trước đây.

z4139949558978_948e936e19f312498523a68905bb75c7.jpg
Lực lượng CSGT tăng cường xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn

Một điểm khác biệt nữa là năm nay, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã thành lập 5 tổ kiểm tra nồng độ cồn đến các địa phương để giám sát, trực tiếp tham gia kiểm tra nồng độ cồn với công an các địa phương. Trung tá Nguyễn Quan Huân, Tổ Trưởng tổ công tác số 4 – Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Thống kê trong thời gian qua, nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, chạy quá tốc độ, chống người thi hành công vụ, dừng đỗ không đúng quy định… phần lớn đều liên quan tới rượu, bia. Từ rượu, bia, liên quan tới nhiều hành vi vi phạm khác. Do đó, việc Cục Cảnh sát giao thông triển khai tuần tra kiểm soát chủ yếu tại các tỉnh, thành có nhiều vụ TNGT tăng; nhằm tăng cường biện pháp kéo giảm TNGT. Từ ngày 15/2 đến ngày 15/3, Cục Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông 30 tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát, nâng cao hiệu quả xử lý các chuyên đề theo kế hoạch, tiếp nhận các trường hợp vi phạm do các tổ công tác của Cục bàn giao để xử lý theo quy định. Thông qua đợt tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân ý thức đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe.

z4140478827660_c48107e1bab8bd0333419fcca0645f58.jpg
Tài xế xe ô tô này vi phạm ở mức 0,458mg/ 1 lít khí thở 

Đồng bộ các biện pháp kiểm soát “ma men”

Thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, Phòng Cảnh sát giao thông và công an các huyện, thành phố, thị xã chủ động phối hợp với Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, các cơ quan thông tin, đại chúng của Trung ương và của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các mức xử phạt đối với người điều khiển xe sử dụng chất ma túy, uống rượu, bia; quy định xử lý đối với các trường hợp không chấp hành việc kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, có hành vi chống đối. Tập trung tuyên truyền về kết quả kiểm tra xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông, các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất kích thích khác. Tổ chức phát động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, tích cực tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, thành lập các tổ, chốt tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn; tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện, qua đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông kết hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn, người sử dụng chất ma túy khi tham gia giao thông; hậu quả, tác hại của việc sử dụng chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ... Chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ, như vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ...

Trong 10 ngày triển khai kiểm tra nồng độ cồn (từ 17 - 26/2) lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 344 trường hợp vi phạm. Lực lượng cảnh sát giao thông đã ra quyết định tước giấy phép lái xe 210 trường hợp, tạm giữ 342 phương tiện vi phạm, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

NGUYỄN LUÂN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn
BTO-Tối 24/2, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Thuận và Công an TP. Phan Thiết tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy và xe ô tô tại địa bàn TP. Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát “ma men” điều khiển xe trên đường