Riêng với một số mặt hàng nổi cộm như xăng dầu, tính từ thời điểm giữa tháng 12/2023 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 66 trường hợp và phát hiện, xử lý 34 vụ vi phạm gồm 38 hành vi. Chủ yếu là về hành vi: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không xây dựng, duy trì và áp dụng có hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng theo quy định… Cùng thời gian, qua kiểm tra mặt hàng LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 18/63 vụ vi phạm. Trong đó vi phạm nhiều nhất là về hành vi sử dụng người quản lý, nhân viên làm việc tại cửa hàng bán lẻ LPG chai không được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Qua công tác quản lý thị trường trên địa bàn Bình Thuận, lực lượng chức năng còn phát hiện và xử lý một số vụ vi phạm khi kiểm tra các mặt hàng nổi cộm khác. Cụ thể với mặt hàng thực phẩm có 8/68 vụ vi phạm (chủ yếu về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu), mặt hàng mỹ phẩm phát hiện 9/9 vụ vi phạm (kinh doanh hàng hóa nhập lậu), còn mặt hàng thời trang cũng có 42/42 vụ vi phạm (kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ)… Hay như kiểm tra mặt hàng phân bón đã phát hiện và xử lý 5/30 vụ vi phạm, với mặt hàng thuốc lá - thuốc lá điện tử có 3/31 vụ vi phạm (xử lý 2 vụ, chuyển hình sự 1 vụ), còn mặt hàng điện tử có 1/16 vụ vi phạm (kinh doanh hàng hóa nhập lậu).
Đáng chú ý ở lĩnh vực thương mại điện tử, trong 9 tháng qua lực lượng quản lý thị trường của tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý 18/20 vụ vi phạm. Như về hành vi: Không công bố đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website; Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng. Ngoài ra, có một số trường hợp vi phạm do sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Kinh doanh hàng hóa nhập lậu...
Được biết thông qua kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm nêu trên, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khá lớn. Trong đó tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp đối với mặt hàng xăng dầu gần 1.600 triệu đồng, mặt hàng thời trang xấp xỉ 400 triệu đồng, lĩnh vực thương mại điện tử 334,5 triệu đồng... Bước vào dịp cuối năm 2024 trùng với thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Với các đối tượng vi phạm thì luôn tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở kênh bán hàng truyền thống mà còn diễn ra ở cả kênh thương mại điện tử.
Do vậy tới đây công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh sẽ được tăng cường nhất là trong đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại điện tử. Theo đó tập trung vào những mặt hàng: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, đường cát, phân bón, vật tư nông nghiệp và hóa chất, nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền hoặc các sản phẩm thuốc lá mới, xì gà... Song song đó cũng đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm vững diễn biến tình hình nhằm kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm hay lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn kịp thời.