Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, trong thời gian qua, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân. Một số kiến nghị của cử tri được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm… Những kết quả đó đã được cử tri đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn một số vấn đề mà cử tri quan tâm, đã kiến nghị nhiều lần và đã được các Bộ ngành Trung ương ghi nhận để xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả thoả đáng, cử tri phát biểu rằng “các Bộ ngành đánh giá các kiến nghị của cử tri là đúng thực tế, đã tiếp thu, ghi nhận nhưng các giải pháp triển khai lâu quá, người dân mòn mỏi chờ”. Đơn cử 2 vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội và Bộ Y tế. Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội: Cử tri có kiến nghị “xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng hưởng bảo trợ xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn cả nước…”. Đây có thể nói là vấn đề mà cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc TXCT nào Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến này. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhiều lần ghi nhận và hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp (gần nhất là tại Công văn số 5523/LĐTBXH-VP ngày 30/12/2022 v/v trả lời kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi thấy vẫn chưa có kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này. Do đó, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Đối với Bộ Y tế: Qua kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các cuộc TXCT ngành y tế ở tỉnh Bình Thuận, có thực trạng là trong giai đoạn dịch Covid - 19 bùng phát, do nhiều ca mắc liên tục tăng nhanh, việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp rất nhiều khó khăn do giãn cách xã hội (lấy báo giá, thẩm định giá, giá cả biến động, tổ chức đấu thầu…), vì vậy các đơn vị thực hiện việc mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục mua sắm để trả cho nhà cung cấp theo đúng Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về Quản lý trang thiết bị y tế.
Do đó, cử tri ngành y tế kiến nghị “cơ quan chức năng có hướng dẫn về thanh toán nợ cho các đơn vị trong việc thực hiện mua, mượn nợ trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm... phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.”. Kiến nghị này cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận kiến nghị trong báo cáo kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ( Bình Thuận hiện tại nợ trên 91 tỷ).
Liên quan vấn đề này, Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng có yêu cầu Bộ Y tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, hiện nay theo phản ánh các địa phương thì Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn tháo gỡ bất cập này. Có thể nói, hiện nay các cơ sở y tế địa phương đang gặp khó khăn về vấn đề này. Theo đó, Chủ nợ mòn mỏi chờ trả nợ, con nợ mòn mỏi đợi hướng dẫn.
Theo đó, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm quan tâm giải quyết.