Dạo một vòng quanh chợ, nhiều chủ quầy thảnh thơi lướt điện thoại, ngồi tán gẫu tại ki ốt, thậm chí người bán nhiều hơn người mua. Đặc biệt, lên tầng 1 là nơi bán vải vóc, quần áo, giày dép,... Nổi bật trong đó có thể kể đến như tại Khu B, hàng loạt ki ốt, sạp hàng đóng cửa im lìm, tiểu thương khóc ròng vì ế ẩm từ đầu năm đến nay.
Có những khu vực cho thuê, nhượng quyền cả dãy sạp. Giá rao cho thuê dao động từ 1 triệu đồng/ tháng nhưng vẫn khó, thậm chí nhiều chủ sạp hứa hẹn giảm giá cho khách thuê. Mặt dù số tiền họ bỏ ra ban đầu thuê ki ốt với niên hạng 15 năm giá rất cao trên 50 triệu đồng/ ki ốt.
Khu B chợ Phan Thiết trên lầu 1 vắng khách
Tiểu thương lướt điện thoại
Tiểu thương ngồi tán gẫu
Hàng loạt ki ốt đóng cửa
Bảng cho thuê ki ốt tại chợ Phan Thiết
Còn tại khu A chợ Phan Thiết là nơi cổng chính của chợ, đến nay không còn khách nhộn nhịp vào ra như nhiều năm trước, có gian hàng doanh thu giảm từ 50% -70%.
Tầng 1 khu A chợ Phan Thiết vắng khách
Gian hàng thời trang không một bóng người
Gian hàng đồ trang sức
Khu A chợ Phan Thiết
Theo chị Dương Thị Bích Trang - tiểu thương tại chợ chia sẻ: “ Khi chợ mới đưa vào hoạt động từ năm 2015 cho đến nay doanh số mỗi năm ngày càng giảm, mặc dù gia đình chị kinh doanh tại đây trải qua 3 thế hệ với lượng bạn hàng và khách hàng nhiều vô kể. Thế nhưng đến nay khách hàng quay lưng ra đi, một phần do kinh doanh tầng 1 lượng khách hàng ngại lên lầu, phần khác do khách hàng mua hàng online ngày càng phổ biến".
Còn chị Thuận An gian hàng thời trang than thở: " Mặt dù kinh doanh trên 30 năm tại chợ này, chị không nghĩ rằng cảnh chợ sầm uất nhất Phan Thiết nay lại đìu hiu đến như vậy, cứ lấy tiền nhà trả lương cho nhân viên bán hàng. Ngoài kinh doanh ở chợ ra chị không biết làm nghề gì khác”.
Theo Ban quản lý chợ Phan Thiết cho biết: “Chợ Phan Thiết có 1.200 ki ốt nhưng hiện nay chỉ hơn 500 ki ốt đang hoạt động cầm chừng, lượng tiểu thương bỏ sạp nhiều, vì kinh doanh ngày càng lỗ”.
Còn tại chợ truyền thống ở nơi khác cũng báo động tình trạng tiểu thương bỏ chợ, chẳng hạn tại chợ Ma Lâm rất nhiều tiểu thương quyết định bỏ sạp, đóng cửa không kinh doanh. Không khí mua bán vốn đã trầm lắng nay lại càng đìu hiu hơn.
Nhiều ki ốt đóng cửa kinh doanh tại chợ Ma Lâm
Đại diện Sở Công thương Bình Thuận cũng thông tin: “ Các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sàn thương mại điện tử phát triển, phương thức kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội phong phú, đa dạng hơn. Do đó người dân chuyển dần sang mua hàng online tiện lợi và nhanh chóng nên các chợ truyền thống ngày càng vắng khách”.
Tiểu thương giờ đây cũng phải biết livestream, quảng cáo online, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà. Họ không thể duy trì cách bán hàng kiểu cũ là ra sạp mở quầy và chờ khách đến hay các "văn hóa" nói thách, trả giá, cân thiếu…
Chính vì lẽ đó các tiểu thương chợ truyền thống cần thay đổi để thích ứng theo thời đại hiện nay.