Điểm sáng 3 lĩnh vực trụ cột nền kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn khó khăn, mặc dù tăng trưởng kinh tế tỉnh chưa đạt như kỳ vọng nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát của HĐND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh vẫn ghi nhận nhiều “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội quý I năm nay.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 10.546,8 tỷ đồng, tăng 8,33%; có 8/16 sản phẩm chủ yếu tăng so cùng kỳ… (ảnh N.Lân)
Trong đó, đáng chú ý là 3 lĩnh vực trụ cột kinh tế của tỉnh công nghiệp, nông nghiệp và du lịch đều ghi nhận sự tăng trưởng. Theo phân tích của ông Phạm Quốc Hùng – Cục trưởng Cục Thống kê, “điểm sáng” kinh tế cần nhắc tới là lĩnh vực công nghiệp xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua chỉ số sử dụng lao động trong tháng 3 và quý I ở mức tăng lần lượt là 5,74%, 5,7% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,27%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I tăng cao 12,2% so cùng kỳ, trong đó đóng góp lớn nhất là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 17,5%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,4% và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp giảm 21,9% so với cùng kỳ. Qua các chỉ số phản ánh dấu hiệu cho thấy, mặc dù doanh nghiệp đang hoạt động vẫn chưa mạnh nhưng đây là tín hiệu tích cực…
Trong quý I, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội thực hiện trên địa bàn ước đạt 9.075,4 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngoài nhà nước trên địa bàn đạt 6.967,2 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 76,8% trong tổng vốn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 618,5 tỷ đồng tăng 11,2% so với cùng kỳ, chiếm 6,8%. “Việc huy động và sử dụng nguồn vốn đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm sau này”, ông Hùng nhận định.
Phát triển, làm mới các loại hình dịch vụ phục vụ du khách (ảnh Đ.Hòa)
Bên cạnh đó, đối với các hoạt động thương mại, dịch vụ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ quý I/2024, ước đạt 26.571 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 17.680 tỷ đồng, tăng 22,8%, doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 8.891 tỷ đồng, tăng 11,7%. Hoạt động du lịch tăng trưởng so với cùng kỳ, toàn tỉnh đón trên 2,1 triệu lượt khách, tăng 6,4%; doanh thu từ du lịch tăng 6,2% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 1,9%; thu ngân sách tỉnh quý I ước đạt 2.906,5 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 2.645,7 tỷ đồng, tăng 10,2%...
Du lịch nhộn nhịp những tháng đầu năm (ảnh Đ.Hòa)
Tập trung cho những việc còn khó khăn
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là giai đoạn “nước rút”, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Bên cạnh kết quả đạt được, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh vẫn còn những “gam màu xám”. UBND tỉnh đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp quý II/2024 và những tháng còn lại năm nay tập trung bám sát các chỉ tiêu đề ra để đạt kết quả cao nhất trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Mới đây, chủ trì tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh trong số nhiều giải pháp đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần phải tập trung cao độ cho công tác thu ngân sách nhà nước; giảm các khoản chi chưa thật sự cấp bách, cần thiết ưu tiên nguồn lực cho phát triển phấn đấu năm 2028 tự cân đối ngân sách. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, hiện nay tình trạng khó khăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể tăng 85% so với cùng kỳ. Cùng với đó, thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn thu đất đai khó khăn làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy, ngành Thuế bên cạnh nuôi dưỡng nguồn thu cũ, tập trung khai thác nguồn thu mới còn dư địa như: thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, xăng dầu, năng lượng tái tạo… Chú ý các nguồn thu lớn, nguồn thu từ đất đai, chống thất thu...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thu hút đầu tư để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương công tác xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất các dự án đã giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện cho các dự án triển khai... Năm 2024, Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Thuận được giao là 5.084.104 triệu đồng, đến hết quý I còn lại 1.220.347 triệu đồng chưa phân khai; giải ngân đến ngày 14/3/2024 là 369.227 triệu đồng, đạt 9,56% kế hoạch (đã phân khai). Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung triển khai hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao, sớm đưa các công trình vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư…
... Các cấp, ngành, địa phương đồng lòng, xuyên suốt phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ để triển khai các nhiệm vụ giải pháp đề ra phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đạt kết quả cao nhất; phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chương trình hành động của UBND tỉnh đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chỉ đạo.