Theo dõi trên

Kịp thời phản ánh kiến nghị của cử tri Bình Thuận đến Quốc hội

29/11/2017, 08:44

BT- Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm (từ ngày 23/11 đến ngày 24/11/2017), kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Tại kỳ họp này, 7/7 đại biểu tỉnh Bình Thuận dự đầy đủ các phiên họp, các vị ĐBQH đã dành thời gian nghiên cứu các báo cáo, các dự án luật, nghị quyết và các tài liệu trình ra kỳ họp.

                
      
   Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình    Thuận Huỳnh Thanh Cảnh phát biểu tại hội trường.

Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu thảo luận. Ngoài những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới trong báo cáo Chính phủ đã nêu, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đã đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề sau: Chính phủ cần phân tích đầy đủ hơn nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trên để thấy thấu đáo vấn đề như đã đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Chính phủ cần giải trình rõ hơn, có sức thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% để đảm bảo tính khả thi cao của kế hoạch.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đã đề nghị: Về nông nghiệp, bên cạnh sự phục hồi tích cực, nông nghiệp nước ta phát triển chưa bền vững, rất bị động với việc ứng phó với biến đổi khí hậu nên rủi ro cao, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị còn yếu, đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh; vấn đề ô nhiễm môi trường, chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong nông nghiệp nhiều nơi chưa tốt, gây bức xúc trong xã hội; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân còn ít do chính sách khuyến khích còn nhiều bất cập. Đề nghị cần làm rõ nguyên nhân việc thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Làm rõ thực trạng nguyên nhân và giải thích cách xử lý dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, ngoài 12 dự án mà Chính phủ đã và đang chỉ đạo xử lý. Đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vừa qua chỉ đạo rất quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn tình trạng một số lĩnh vực điều kiện kinh doanh thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh. Vấn đề này khắc phục như thế nào?

Về chỉ tiêu nhiệm vụ giải pháp chủ yếu năm 2018, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm 3 vấn đề chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Trước hết để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do thiên tai gây ra. Bổ sung các chính sách khuyến khích các hình thức hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Qua đó kiểm soát chất lượng nâng cao giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp kể cả xuất khẩu. Đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 của Chính phủ theo hướng tập trung vào các chính sách phù hợp với nguồn lực ngân sách có hạn và thủ tục cần đơn giản hơn, bớt rườm rà để thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả, nhất là trong thời kỳ cạnh tranh và hội nhập. Trước hậu quả nghiêm trọng và tính cấp bách do tác động xấu của biến đổi khí hậu, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn dự phòng cho các địa phương chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng thiên tai và biến đổi khí hậu, trong đó có Bình Thuận để đầu tư các công trình bức xúc, hạng mục xung yếu về thủy lợi phục vụ sản xuất, xây dựng đê kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông và chống xâm nhập mặn. Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn hạn hẹp, việc huy động nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là hết sức cần thiết, nhưng khi địa phương triển khai Nghị định 15 của Chính phủ về hợp tác công tư thì gặp rất nhiều vướng mắc, thủ tục hành chính thì rườm rà; việc xác định giá đất và đấu thầu chọn nhà đầu tư rất khó khăn, lúng túng. Do vậy đề nghị Chính phủ sớm rà soát và điều chỉnh nghị định trên cho phù hợp, khả thi để các địa phương thực hiện.

Tại các buổi thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, 7/7 ĐBQH tỉnh đã có 23 ý kiến tại tổ và 11 ý kiến phát biểu tại hội trường đóng góp vào các dự án luật, nghị quyết và các dự án luật cho ý kiến; thời gian thảo luận tại hội trường giới hạn nên nhiều ý kiến của các ĐBQH trong đoàn đã gửi bằng văn bản cho Đoàn thư ký kỳ họp, đã được Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu bổ sung, chỉnh lý đưa vào dự thảo. Ngoài ra, các đại biểu trong đoàn đã gửi 4 câu hỏi chất vấn bằng văn bản và 3 đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường với 4 nội dung: chất vấn đến Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam… Đồng thời các đại biểu của đoàn đã trả lời phỏng vấn với các cơ quan báo chí như: Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội, VTV1…về những nội dung liên quan tại kỳ họp.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng, Trưởng ngành như: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và tiếp xúc, gặp gỡ các đồng chí Bộ trưởng: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thúc đẩy các vấn đề của tỉnh cần sự hỗ trợ của các bộ. Đoàn ĐBQH tỉnh còn có văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến ý kiến phản ánh một số cử tri trong tỉnh. Ngoài ra Đoàn ĐBQH tỉnh giao lưu, gặp gỡ với các Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, các Đoàn ĐBQH thuộc Khu 6 cũ (Lâm Đồng, Ninh Thuận), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng BIDV…

Nhìn chung tại kỳ họp thứ tư-Quốc hội khóa 14, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã thực hiện tốt chương trình và kế hoạch đề ra. Các vị ĐBQH tỉnh đã kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như các vấn đề bức xúc của tỉnh được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ghi nhận và có văn bản trả lời cho các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

ĐẶng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kịp thời phản ánh kiến nghị của cử tri Bình Thuận đến Quốc hội