Theo dõi trên

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023): Vị tướng tài ba của đường Trường Sơn huyền thoại

01/03/2023, 05:31

Trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tư duy sáng tạo, táo bạo

Có lẽ nhắc đến Bộ đội Trường Sơn, đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, thì người đầu tiên chúng ta sẽ nghĩ đến là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Bởi lẽ, Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm (1967 - 1976) trên cương vị là Tư lệnh. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Dù phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt nhất của máy bay và bom đạn Mỹ; phải đối mặt với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, với các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất mà Mỹ, ngụy sử dụng trên chiến trường Trường Sơn. Gần 10 năm làm Tư lệnh cũng là quãng thời gian mà Trường Sơn nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường với quy mô to lớn nhất. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu của mình chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, để hoàn thành xuất sắc sự chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.

2-1-.jpg

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (người đứng giữa) có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ảnh TL 

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Đây thực sự “là một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với nhiều trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài 600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350 km”.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ động xây dựng hệ thống thông tin và tuyến đường xăng dầu Trường Sơn, bảo đảm công tác chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam bộ. Công tác bảo đảm xăng dầu cho vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn của công tác vận tải. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam bộ với chiều dài khoảng 1.400km. Đề xuất này được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh thống nhất kiến nghị và được Quân ủy Trung ương phê chuẩn. Hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn; đồng bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600.800m3/ngày đêm trên một hướng.

Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào và Campuchia và các lực lượng hành quân của Bộ trên đường Trường Sơn. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đặc biệt, tuyến đường góp phần quan trọng vào các quá trình thắng lợi của chiến tranh miền Nam nước ta, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội

Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Đồng chí hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.

Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng đã được vạch ra. Đồng chí chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng Nghĩa trang. Với tầm nhìn “đi trước thời đại”, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo các nhà chuyên môn: Phải thiết kế, xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt…

Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vẫn dành thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại Đồi Bến Tắt. Trong không khí khẩn trương của nhiệm vụ giải phóng miền Nam, ngày 24/2/1975, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10/4/1977. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao giữ nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

TRẦN HUỲNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022): Nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam
Ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân nghèo đã đón chào một thành viên mới, người mà sau này làm rạng danh quê hương Vĩnh Long, mảnh đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền, khi trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đó là Cố Thủ tướng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Võ Văn Kiệt.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023): Vị tướng tài ba của đường Trường Sơn huyền thoại