Theo dõi trên

Kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2022): Người Bình Thuận với tướng Giáp

25/08/2022, 05:29

Từ một thầy giáo dạy lịch sử trở thành Đại tướng, Tổng Tư lệnh, ông được lịch sử và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn vì “Văn lo vận nước văn thành võ/Võ thấu lòng dân võ hóa văn”.

Mãi trong lòng nhân dân

Có lẽ nhắc đến Võ Nguyên Giáp thì không ai trong chúng ta không biết về vị Đại tướng tài ba của quân đội và nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn. Sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là Đại tướng đầu tiên của quân đội ta, cũng là Đại tướng thắng nhiều Đại tướng nhất. Nhưng ông cũng là vị tướng luôn tiếc thương từng giọt máu của người chiến sĩ. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã không chỉ được khắc ghi trong lịch sử dân tộc mà còn lừng danh thế giới và luôn ngời sáng mãi trong lòng nhân dân ta…

z3664505954805_8b7f03a8b73408ae2cc431c52b8d89a9(1).jpg
Ông Phan Cao Thông bên kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng

Đảm nhiệm trọng trách Tổng Tư lệnh khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi); song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.

z3664498387821_710f03faad6b33df22a54805f14d0111.jpg
z3664648145710_c310ff1e56189afa52b4b470fd3ea18b.jpg

Tấm chân dung Bác Hồ và bút tích của tướng Giáp tặng ông Phan Cao Thông.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.

Tình yêu và sự mến mộ vô bờ

Nếu như những ngày tháng 5 về, người dân cả nước lại nhớ đến chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5) và Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5), thì trong tháng 8, ngoài kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8), thì cũng có một ngày (25/8) mà người dân luôn trân trọng nhớ đến – ngày mà nước Việt sinh ra người con - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hàng năm, cứ đến sinh nhật tướng Giáp và những ngày đặc biệt nói trên, ông Phan Cao Thông (68 tuổi, ngụ khu phố 5, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết), người luôn dành cho Bác Hồ và “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam một tình yêu và sự mến mộ vô bờ, lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm. Ông Thông chia sẻ, tình yêu và sự mến mộ của ông với Bác Hồ và tướng Giáp không chỉ xuất phát từ công lao mà còn là nhân cách sống của cả 2 đã để lại cho các thế hệ mai sau. Với ông Thông, những kỷ vật với tướng Giáp là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời. Năm 2002, ông Thông viết thư gửi ra Hà Nội thăm hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hỏi về nguồn gốc của câu nói nổi tiếng “Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng”. Niềm vinh dự đến với ông Thông khi được Đại tướng hồi âm và tặng kèm một tấm hình chân dung Bác Hồ với bút tích phía sau: Bác Hồ đã từng nói với tôi: “Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng”. Giờ đây món quà ý nghĩa đó được ông Thông ép nhựa, đóng khung treo trang trọng trong gian nhà chính như là một kỷ vật vô giá.

Còn đối với nhà báo, nhà thơ Lê Hồng Văn, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận - một người con sinh ra và lớn lên ở quê hương Lệ Thủy với tướng Giáp cũng có một tình yêu và sự mến mộ đặc biệt với tướng Giáp. Tình yêu ấy được ông thể hiện bằng những câu thơ, vần thơ đầy xúc động để tri ân vị Đại tướng, qua tác phẩm “Đón Bác về quê”, được sáng tác ngay sau khi tướng Giáp mất (năm 2013) và được đưa về an táng tại Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Trạch, Quảng Bình). Sau đó 1 năm, nhân dịp về thăm quê và lần đầu tiên đến viếng mộ vị Đại tướng nhân dịp đầu xuân, nhà thơ Lê Hồng Văn đã dâng trào cảm xúc và sáng tác bài thơ “Ngày Xuân viếng Bác”. Đây là 2 trong số nhiều tác phẩm hay trên cả nước viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều báo và trang thơ đăng tải.

Có thể nói, tên tuổi Đại tướng mãi gắn liền với những mốc son lịch sử trọng đại của đất nước, để lại trong lòng người dân Việt Nam một tình cảm đặc biệt về một vị tướng hết lòng vì nước, vì dân. Nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2022), chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về những đóng góp to lớn của vị tướng huyền thoại đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

PHÚC SINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lan tỏa tinh thần Cách mạng Tháng Tám để xây dựng quê hương Bình Thuận
Ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi - Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2022): Người Bình Thuận với tướng Giáp