Theo dõi trên

Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2021)

19/04/2021, 09:21

Sự trỗi dậy của vùng đất “thép”

BT- 46 năm sau ngày giải phóng, những dấu tích chiến trường xưa nay đã phủ màu thời gian. Tuy nhiên, tinh thần ngày 19/4/1975 luôn bất diệt, khắc ghi trong tâm trí, con tim của các lớp người dân Bình Thuận. Để có ngày quê hương nở hoa độc lập, kết trái tự do các thế hệ cha ông đã cống hiến, hy sinh và rất nhiều người vĩnh viễn không trở về. Hồi tưởng lại quá khứ và nhìn về thành quả, sức bật của 46 năm kiên cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Hôm nay, cán bộ và nhân dân Bình Thuận tự hào đón những ngày tháng 4 lịch sử khi quê hương Bình Thuận đang trỗi dậy, vươn lên cùng đất nước.

Ký ức hào hùng

Chiến thắng 19/4/1975 giải phóng thị xã Phan Thiết đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, góp phần quan trọng tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh thành công, giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước.

Mỗi khi tháng tư về, trong ký ức của Đại tá Nguyễn Thành Tâm, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh 482, trong chống Mỹ lại bồi hồi nhớ về những năm tháng hào hùng của một thời binh lửa. “Ngày 19/4/1975 - đó là thời khắc hạnh phúc của cuộc đời tôi khi quê hương Phan Thiết được giải phóng. Bao nhiêu năm vất vả, nằm gai nếm mật, bom đạn giày xéo bỗng chốc được thay thế bằng cuộc đời tự do, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố phường. Chúng tôi được tự do đi lại trên chính con đường của quê hương. Ký ức này mãi mãi không thể nào quên”, người lính năm xưa chia sẻ.

Sau khi Phan Rang (Ninh Thuận) bị thất thủ, Phan Thiết của tỉnh ta trở thành chốt chặn của chính quyền Sài Gòn từ hướng đông. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Quân khu VI và Quân khu VII quyết định mở chiến dịch Hoài Đức – Tánh Linh. Do đó thời điểm này, các lực lượng vũ trang trong tỉnh liên tục tấn công địch, không cho địch có thời gian nghỉ ngơi, buộc địch co cụm trong đồn, bót. Nhờ đó, tạo thời cơ để phối hợp với quân chủ lực giành thắng lợi quyết định, giải phóng 2 huyện Tánh Linh, Hoài Đức và làm chủ nhiều vùng nông thôn ở huyện Hàm Thuận, tạo một vành đai ép dồn địch vào các trung tâm thị xã, thị trấn.

Biển Hàm Tiến. Ảnh: N.Lân

Đầu tháng 4/1975, khi cục diện chiến trường có lợi cho quân ta, Tỉnh ủy Bình Thuận hạ quyết tâm giải phóng Chi khu Thiện Giáo (Ma Lâm). Đây được xác định là quyết chiến cuối cùng để áp sát vào Phan Thiết, mở màn cho quân ta giải phóng Phan Thiết và toàn tỉnh Bình Thuận.

Ông Tâm kể: Sau khi giải phóng Chi khu Ma Lâm - Thiện Giáo, Tiểu đoàn 482 phát triển theo Đường 8 chiếm ấp, diệt đồn áp sát Phan Thiết. Cùng thời điểm này, Trung đoàn 812 triển khai Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 840 và Đại đội 5 Đặc công Bình Thuận tấn công các đồn địch trên quốc lộ 1A. Chiếm và quyết giữ cầu Phú Long để tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 2 tiến công giải phóng các địa phương trên quốc lộ 1A và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đến 20 giờ ngày 18/4, quân ta vượt qua cầu Phú Long tấn công vào Phan Thiết bằng 3 mũi tiến công. Mũi 1 chủ yếu đánh vào tiểu khu tòa hành chính. Mũi thứ 2 đánh vào Phú Long theo đường Phước Thiện Xuân vòng xuống Phú Hài đánh chiếm Lầu Ông Hoàng chặn địch rút chạy về Mũi Né. Mũi thứ 3 lách tất cả mục tiêu trong thị xã theo đường 1 vòng lên đánh chiếm Căng Êsêpic. Khi xe tăng của ta xông vào chặn đánh trước cổng Sở Chỉ huy Tiểu khu và tòa hành chính thì địch hoảng hốt tháo chạy tán loạn. 9 giờ ngày 19/4, Ủy ban quân quản vào tiếp quản Phan Thiết. Sau đó, quân ta lần lượt đánh chiếm và giải phóng những địa phương còn lại của tỉnh.

“Sáng đó trời không một chút mây, thi thoảng có vài ngọn gió từ sông, từ biển thổi vào mát rượi. Thế nhưng nước mắt của chúng tôi cứ tự nhiên trào ra, không cầm được. Có nhiều cậu lính trẻ nhảy cẫng lên vì vui, vì mừng. Mỗi người một cảm xúc. Suốt mấy chục năm chúng tôi chờ phút giây này. Vui lắm, mừng lắm, mừng chảy nước mắt” - ông Tâm nhớ lại.

Mở ra kỷ nguyên phát triển mới

Bước ra khỏi chiến tranh, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng tái thiết quê hương, đặc biệt là sau khi tái lập tỉnh. Trên mảnh đất khô khát và nghèo khó, đã từng bước được khắc phục từ những nghị quyết, quyết sách “sát và đúng”. Trong đó xây dựng các công trình thủy lợi tích nước, một vấn đề mà sau 46 năm giải phóng vẫn được Bình Thuận dồn lực ưu tiên đầu tư. Nhờ đó, hiện nay toàn tỉnh có gần 80 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng trải rộng trên hầu khắp các địa phương trong tỉnh với tổng mức đầu tư gần 7.477 tỷ đồng. Tổng dung tích các hồ chứa là 339 triệu m3 với tổng năng lực tưới thiết kế là 73.300 ha, tăng 41.000 ha so với năm 2001 chỉ có 32.300 ha. Đặc biệt với sáng kiến nối mạng liên thông giữa các hồ chứa nước đã khai thác tối đa hiệu quả những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng.  Đến nay, có 11 kênh nối mạng với tổng chiều dài 113 km được xây dựng, nâng vùng tưới ổn định lên 35.120 ha. Nước về, những vùng đất khô cằn đang bị hoang mạc hóa đã được đánh thức.

Các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư

Mặt khác, những công trình giao thông, điện, y tế, giáo dục… đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Bình Thuận đã tạo nên một sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập. Từ trong khô cằn, cây thanh long vươn mình thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khẳng định được thương hiệu đẳng cấp trên thương trường quốc tế.

Đặc biệt, cái nắng không còn khô khốc mà với sự nỗ lực, quyết tâm của mình, Bình Thuận đã chuyển những khó khăn, bất lợi thành tiềm năng lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển xanh và bền vững. Nhiều chính sách được tỉnh triển khai và tạo điều kiện tốt nhất đã thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực này. Hiện  toàn tỉnh có 108 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư, trong đó có 88 dự án điện mặt trời và 20 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư gần 176.000 tỷ đồng. Hiện có 21 dự án điện mặt trời đã hòa lưới điện quốc gia và phát điện thương mại với tổng công suất 903,48 MW, tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng; 3 dự án điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất 60MW, trong đó dự án Nhà máy phong điện Phú Quý với công suất 6MW bổ sung cùng với nguồn điện diesel phát tại chỗ góp phần tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quý.

Cái nắng, cái  gió đã trở thành tiềm năng, lợi thế để Bình Thuận phát triển năng lượng tái tạo

Cùng với đó, Bình Thuận tập trung khai thác thế mạnh và đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Sau 25 năm hình thành và phát triển, thương hiệu du lịch Bình Thuận ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đón gần 29 triệu lượt du khách; trong đó du khách quốc tế đạt gần 3,5 triệu lượt, tăng bình quân gần 14%/năm. Doanh thu du lịch đạt hơn 65,7 ngàn tỷ đồng. Du lịch phát triển đã giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương... Những làng chài ven biển nghèo trước đây, nay đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng, là địa chỉ quen thuộc của du khách cả trong và ngoài nước như Mũi Né, Hàm Tiến, Tiến Thành… Ngày 24/8/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 2354 công nhận Khu du lịch Mũi Né là Khu du lịch quốc gia.

Đặc biệt, từ khi Bình Thuận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân toàn tỉnh đồng tình hưởng ứng. Qua 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, Bình Thuận đã có 58/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 60,42%; vượt 8 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020; vượt xa so với vùng duyên hải Nam Trung bộ. Bình Thuận đã cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Trong cuộc sống mới, đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết dân tộc được thắt chặt hơn.

Sau 46 năm giải phóng tỉnh Bình Thuận (19/4/1975 -19/4/2021), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2021) và 29 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2021), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận luôn tự hào và phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong chặng đường qua; đồng thời nhận thức sâu sắc những thách thức, khó khăn đang phía trước, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị ở địa phương để chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh và cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, chắc chắn Bình Thuận sẽ  tiếp tục “cất cánh” bằng chính tiềm năng to lớn và nội lực mạnh mẽ của mình trong thời gian tới.

 B.T



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2021)