Theo dõi trên

Kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2023): Trang sử vàng chói lọi

07/05/2023, 09:00

Cách đây 69 năm, ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Đến nay, ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng lịch sử “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” vẫn còn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Đây là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam châu Á. Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy. Một cuộc vận động nhân dân chi viện Điện Biên Phủ đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có.

2_2-1683391009484.jpg
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Theo đó, với khẩu hiệu "Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch. Nhân dân đã đóng góp trên 25.000 tấn gạo, trên 260 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, trên 26.000 lượt dân công với trên 18 triệu ngày công, xấp xỉ 21.000 xe đạp thồ, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và trên 3.000 chiếc thuyền. Lực lượng tại chỗ, đồng bào Tây Bắc ra sức tăng gia sản xuất, đóng góp hàng triệu tấn gạo, thịt, rau cho chiến dịch;… Đồng bào cả nước sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại... Đến đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ 13 - 17/3, ta tiêu diệt phân khu phía Bắc, lực lượng tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và trung tâm đề kháng Bản Kéo. Giai đoạn 2, từ 30/3 đến 30/4, ta tiến đánh phân khu trung tâm, các điểm cao quan trọng phía Đông (E1, D1, C1, C2, A1...), vây lấn bằng hệ thống giao thông hào, bóp nghẹt Tập đoàn cứ điểm. Giai đoạn 3, từ 1 - 7/5, ta đánh tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Đến 18 giờ 45 phút ngày 6/5, khối bộc phá 1.000 kg đặt trong lòng quả đồi A1 nổ vang, quân ta tổng công kích. 17 giờ 30 phút ngày 7/5, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm bị bắt, gần 10.000 quân địch ra hàng.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua muôn ngàn gian khổ, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Viết tiếp bản hùng ca

69 năm đã trôi qua, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới, thế nhưng những bài học và ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hôm nay. Đó là, đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng; là nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh; là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình, ủng hộ từ bè bạn quốc tế. Và hơn hết đó chính là tình yêu quê hương đất nước, là khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng của mỗi con dân đất Việt.

bao-tang-dbp1.jpg
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên - nơi tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.

Theo đó, trong mỗi giai đoạn đi lên của đất nước, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn luôn hiện hữu, để rồi từ đó toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh theo các Nghị quyết của Đảng, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn.

Cụ thể, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước; Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước; Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, chúng ta đã ký kết và tham gia 15 hiệp định hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển Việt Nam hùng cường. Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Kỷ niệm 69 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023), là cơ hội để nhìn lại tầm vóc chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Vì vậy, mỗi người dân Việt hôm nay càng cảm phục hơn trí tuệ và bản lĩnh đánh giặc của thế hệ cha anh; Đồng thời tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quy hoạch báo chí, xuất bản phù hợp với xu thế phát triển
Sáng 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo Quy hoạch).
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2023): Trang sử vàng chói lọi