Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Bình Thuận đã hứng chịu biết bao bom đạn của quân thù, hàng ngàn người con của quê hương đã hy sinh và để lại chiến trường một phần thân thể của mình. Để nhớ ơn các gia đình thương binh, liệt sĩ, hàng năm các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà và tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, dịp lễ, tết. Công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người có công được chăm sóc sức khỏe và được hỗ trợ cải thiện nhà ở khi có khó khăn. Thân nhân, con của người có công được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện tốt nhất để được học tập và làm việc. Cùng với đó, việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh luôn được toàn dân tích cực tham gia, hưởng ứng và đạt kết quả tốt. Nhờ đó mà có điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống các gia đình chính sách. Chỉ tính trong năm 2021, toàn tỉnh đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 9 tỷ đồng, đạt 157,3% so với kế hoạch. Từ kết quả trên, Ban quản lý quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã phối hợp với địa phương hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình ghi công liệt sĩ, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được kịp thời, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trong giai đoạn hiện nay cũng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Trong những năm tới, tiếp tục thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”... Để phát huy được những kết quả, thành tích đã đạt được trong suốt 75 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công. Tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ. Thúc đẩy toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”…