Theo dõi trên

Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh 2/9 (1945-2022): Tết Độc lập, ký ức và trách nhiệm

02/09/2022, 08:49

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 2/9 hàng năm được người dân cả nước coi như là Tết Độc lập.

z3687636375915_feb8d5b674e0588676e871055ed0a142.jpg

Độc lập hay là chết

Sau khi tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi trên cả nước. Ngày 2/9/1945 tại thủ đô Hà Nội, lễ ra mắt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời dưới sự chúng kiến của hơn 1 triệu người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận, với các biểu ngữ nền đỏ chữ vàng khắp các phố phường: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”. “Độc lập hay là chết”. Trên khán đài, đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”...

Những lời lẽ đanh thép trong tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc. Không chỉ tuyên bố với thế giới, mà nó còn vạch trần bộ mặt dối trá và phản bội của thực dân Pháp khi “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta, trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Đồng thời bản Tuyên ngôn độc lập là tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất, đánh giặc giữ nước của cha ông và nhân dân ta, khi ẩn và thắm đượm trong đó là một "Nam quốc sơn hà Nam đế cư..", của Lý Thường Kiệt hay "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi...

z3687636375915_feb8d5b674e0588676e871055ed0a142.jpg
Chủ tich Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 (ảnh: tư liệu TTXVN)

Bài học về giá trị lịch sử cho hôm nay

Xuyên suốt 77 năm qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Để sau đó và hôm nay, toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh. Điều này có thể minh chứng khi hiện tại Việt Nam là nước đứng thứ 5 về GDP trong khu vực Đông Nam Á với GDP khoảng 352 tỷ USD, đứng thứ 39 trong số 207 nền kinh tế trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam đang nằm trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại. Người dân được thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ, quyền thụ hưởng an sinh xã hội của mình, để phát triển đời sống kinh tế cá nhân, gia đình và xã hội.

Riêng với Bình Thuận, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh nhà, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, với những thành tựu khá toàn diện trên  tất cả các lĩnh vực.

Từ một tỉnh rất khó khăn, xuất phát điểm thấp khi thiên tai liên tiếp xảy ra, nắng hạn kéo dài, nhưng bằng các biện pháp tích cực của các chủ trương, chính sách, các phong trào “xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các phong trào phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội tất cả các vùng”…đến nay tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,16%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Trong những ngày này, Bình Thuận long trọng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022) cũng là dịp để nhìn, đánh giá lại chặng đường phát triển đã qua và đặt ra mục tiêu phát triển trên chặng đường mới.
Trong đó mục tiêu hàng đầu là Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận phải ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tích cực đổi mới, sáng tạo; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột Công nghiệp, Du lịch và Nông nghiệp, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện thắng lợi Nghị quyết do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; quyết tâm đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch.

Có thể nói trong giai đoạn mới, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau, song tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết và phát huy truyền thống cách mạng, những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng; tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận sẽ phấn đấu  nỗ lực và đoàn kết chung tay xây dựng tỉnh nhà ngày càng văn minh, giàu đẹp.

BOX: Tại Bình Thuận lịch sử cũng ghi nhận, sau khi khởi nghĩa Cách  mạng tháng Tám thành công, hệ thống chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở ở Bình Thuận đã được thành lập và hoạt động. Ngày 2/9/1945, tại Sân vận động Phan Thiết và các huyện, nhân dân trong tỉnh tổ chức mít tinh, diễu hành mừng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa.

PHÚC SINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Qua 30 năm tái lập tỉnh: Bình Thuận vươn lên mạnh mẽ
Tái lập tỉnh từ năm 1992 trong điều kiện khó khăn thiếu thốn trăm bề, thế nhưng địa phương đã quyết tâm khắc phục yếu kém và vươn lên mạnh mẽ, từng bước đưa Bình Thuận trở thành động lực phát triển mới của khu vực duyên hải miền Trung lẫn Nam Trung bộ…
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh 2/9 (1945-2022): Tết Độc lập, ký ức và trách nhiệm