Theo dõi trên

Qua 30 năm tái lập tỉnh: Bình Thuận vươn lên mạnh mẽ

01/09/2022, 06:02

Tái lập tỉnh từ năm 1992 trong điều kiện khó khăn thiếu thốn trăm bề, thế nhưng địa phương đã quyết tâm khắc phục yếu kém và vươn lên mạnh mẽ, từng bước đưa Bình Thuận trở thành động lực phát triển mới của khu vực duyên hải miền Trung lẫn Nam Trung bộ…

Những con số ấn tượng

Tại buổi họp mặt - tọa đàm chủ đề “Bình Thuận: Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển” vừa được tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã thông tin những thành tựu nổi bật của địa phương trong chặng đường 30 năm qua. Đáng chú ý, GRDP bình quân đầu người tăng từ 4,5 triệu đồng (tương đương khoảng 252 USD) năm 1992 lên 75,7 triệu đồng (khoảng 3.248 USD) vào năm 2022, tức tăng gần 13 lần so thời điểm mới tái lập tỉnh. Còn thu nhập bình quân đầu người trước đây chỉ là 1,35 triệu đồng thì nay đã tăng lên 56,28 triệu đồng (gấp 41 lần), hiện xếp thứ 18 trong cả nước, đứng top đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ.

canh-dep-4-.jpg
Sản xuất năng lượng sạch là lĩnh vực mà Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế (Ảnh minh họa). 

Cùng với đó, lĩnh vực công nghiệp luôn thể hiện tốc độ tăng trưởng khá cao với giá trị tăng thêm bình quân 15,39%/năm, đến năm 2022 chiếm tỷ trọng 30,27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (năm 1992 chỉ chiếm 9,58%). Đặc biệt, tiềm năng về năng lượng được Bình Thuận tập trung phát huy đem lại hiệu quả, trong đó sản xuất và phân phối điện giữ vững mức tăng trưởng cao với bình quân 42,23%/năm, là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Với du lịch, đây cũng là ngành có bước phát triển mạnh mẽ, dần trở thành “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam và là Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia. Ghi nhận trước thời điểm đại dịch Covid - 19 bất ngờ bùng phát (năm 2019), toàn tỉnh đón hơn 6,4 triệu lượt khách (gấp hơn 512 lần so năm 1992) và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 15.200 tỷ đồng (gấp 2.515 lần so năm đầu tái lập tỉnh)… Ngoài ra Bình Thuận còn đạt một số kết quả ấn tượng khác như: Đưa diện tích gieo trồng được tưới tăng từ 32.600 ha (năm 1992) lên 114.500 ha (năm 2021), kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 dự ước đạt 727,9 triệu USD (gấp 89,1 lần so năm 1992), thu hút gần 1.600 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 333.160 tỷ đồng (trong đó có 117 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,38 tỷ USD)…

Còn dư địa phát triển

Xét vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và nguồn tài nguyên thì Bình Thuận vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong chặng đường mới. Bởi nơi đây được xác định là 1 trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của quốc gia, có đảo Phú Quý nằm gần đường hàng hải quốc tế và có thềm lục địa giàu tiềm năng dầu khí. Thêm vào đó, vùng đất này cũng ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, lại sở hữu lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió mà nhất là điện gió ngoài khơi… Hay như dân số của tỉnh hiện có gần 1,3 triệu người và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng (dưới 15 tuổi chiếm 24,1%, từ 15 - 64 tuổi chiếm 68,9%, từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,1%), kỳ vọng là nguồn nhân lực góp sức giúp Bình Thuận thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Bên cạnh thuận lợi về giao thông kết nối giữa các vùng, địa phương còn tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vì vậy có cơ hội đón nhận những dòng đầu tư lớn khi đường bộ cao tốc (đoạn đi qua Bình Thuận) và Cảng hàng không Phan Thiết hoàn thành. Cũng nhờ đó mà trong những năm tiếp theo, dự báo 3 trụ cột phát triển của tỉnh là công nghiệp - du lịch - nông nghiệp sẽ thêm điều kiện thuận lợi để tăng tốc vươn lên mạnh mẽ. Như nửa cuối năm 2022, Bình Thuận tiếp tục có 2 khu công nghiệp được khởi công xây dựng gồm: Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (quy mô 1.070 ha) và Khu công nghiệp Tân Đức (300 ha). Qua đó nâng tổng số khu công nghiệp được hình thành trên địa bàn tỉnh lên 8 khu công nghiệp, hiện diện từ Tuy Phong đến Hàm Tân với tổng diện tích đất hơn 2.500 ha…

Tận dụng tiềm năng và lợi thế, tới đây Bình Thuận cũng huy động nguồn lực phát triển ngành công nghiệp năng lượng, ưu tiên cho loại hình điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG, năng lượng Hydrozen. Tiếp tục chú trọng phát triển các nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương và hướng đến thu hút dự án công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo theo xu hướng hiện nay. Ở lĩnh vực du lịch thì quan tâm phát triển đa dạng loại hình mới, có sức hấp dẫn du khách như du lịch thể thao biển, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm… Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh đón khoảng 16 triệu lượt khách và doanh thu ước đạt 63.000 tỷ đồng, đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát huy những thành tựu nổi bật trong 30 năm qua, địa phương sẽ quyết tâm vượt qua thách thức cũng như tận dụng thời cơ trong chặng đường mới, tiếp tục đưa Bình Thuận phát triển bền vững và xứng tầm tiềm năng…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sổ tay phóng viên:
Nhìn lại để thấy nỗ lực phục hồi du lịch sau đại dịch
1. Cách đây tròn 1 năm (tháng 8/2021), hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận rơi vào tình cảnh không lường trước với sự trầm lắng chưa từng có bao trùm lên cả “thủ đô resort”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Qua 30 năm tái lập tỉnh: Bình Thuận vươn lên mạnh mẽ