Theo dõi trên

Cần nâng cấp đoạn cuối tuyến ĐT 717

31/08/2022, 05:30

ĐT 717 là tuyến đường quan trọng kết nối quốc lộ 55 và quốc lộ 20, kết nối giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng và là cửa ngõ kết nối khu vực Tây Nguyên, giúp điều tiết lưu lượng phương tiện, lưu thông vận chuyển hàng và kết nối du lịch giữa các khu vực. Tuy nhiên, đoạn cuối tuyến đường đã hư hỏng nặng cần nâng cấp…

Tuyến đường ĐT 717 có tổng chiều dài 39,88 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Điểm đầu tuyến tại km 159+140 quốc lộ 55 (cầu Tà Pao, huyện Tánh Linh), điểm cuối tuyến tại km 94+500 quốc lộ 20 (tỉnh Lâm Đồng). Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 29,4 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 10,48 km. Đây là tuyến đường quan trọng kết nối quốc lộ 55 và quốc lộ 20, kết nối giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng và là cửa ngõ kết nối khu vực Tây Nguyên, giúp điều tiết lưu lượng, lưu thông vận chuyển hàng hóa như nông sản, phân bón, vật liệu xây dựng... giữa các khu vực.

img_20220829_110633.jpg
Đường ĐT 717 đoạn cuối có hàng trăm "ổ voi" nên dân đi lại hay bị tai nạn. Vì vậy cần được nâng cấp, nhất là khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ...

Năm 2014, UBND tỉnh ban hành phê duyệt dự án đầu tuyến đường ĐT 717 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận với tổng chiều dài 29,4 km, tổng mức đầu tư là 188,395 tỷ đồng, sử dụng vốn Trung ương hỗ trợ theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng và vốn ngân sách tỉnh. Thế nhưng, do nguồn vốn hạn chế nên UBND tỉnh đã phê duyệt lại dự án đầu tư ưu tiên thực hiện trước đoạn từ km 159+140 quốc lộ 55 (cầu Tà Pao, huyện Tánh Linh) đến ngã ba Bà Sa, xã Đức Phú, dài khoảng 19,9 km, có tổng mức đầu tư là 97,024 tỷ đồng. Hiện nay, đoạn tuyến này đã cơ bản thi công hoàn thành, giải quyết được bức xúc về giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên, đối với đoạn còn lại của tuyến đường ĐT 717 từ km 19+900 đến km 29+300 (từ ngã ba P’Lao đến giáp tỉnh Lâm Đồng), mặt đường bong tróc, hư hỏng nặng, nhiều “ổ voi, ổ gà”, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ông K’Sơn người K’ho ở thôn Tà Pứa tâm sự: Dân ở Tà Pứa khổ vì con đường này nhiều năm rồi, làm cà phê, trồng sầu riêng bị tư thương mua giá rất thấp so với thị trường. Thắc mắc thì họ bảo do đường xấu, vận chuyển khó khăn nên chỉ mua giá thấp để bù chi phí vận chuyển… Không chỉ giá nông sản trong vùng Tà Pứa bị tư thương ép giá mà nhiều người dân Đức Linh, Tánh Linh liên tục bị tai nạn giao thông do tránh “ổ voi, ổ gà” trên đường. Ông K’Sơn, kể: Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa những “ổ voi” chứa đầy nước ngang với mặt đường nên đi xe máy không biết chỗ nào để tránh. Vì vậy nhiều người chạy xe bị sụp vào “ổ voi” té gãy tay, gãy chân rất nhiều…

Trao đổi với phóng viên về sự việc dân phản ánh, ông Giáp Hà Bắc – Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh tâm tư: Tuyến đường ĐT 717 là tuyến tỉnh lộ kết nối tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng. Đoạn đầu tuyến từ km 159+140 quốc lộ 55 đến ngã ba Bà Sa đã được tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Đoạn còn lại tuyến đường ĐT 717 từ km 19+900 đến km 29+300 từ ngã ba P’Lao đến giáp tỉnh Lâm Đồng trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư nâng cấp, cử tri xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, cử tri Mé Pu, Sùng Nhơn, Đa Kai, huyện Đức Linh nơi có nhiều người dân ở và đi lại khu vực Tà Pứa nhiều lần kiến nghị cần nâng cấp để giúp dân đi lại thuận tiện hơn, huyện cũng đã có văn bản đề xuất tỉnh xin làm đường cho dân…

Tại khu vực đoạn cuối tuyến ĐT 717 có các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học phục vụ cho con em của 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh. Trên tuyến còn có phân trạm y tế xã Đức Phú, có thôn Tà Pứa là đồng bào dân tộc, có đơn vị quản lý bảo vệ rừng, có điểm thác trượt là địa điểm du lịch, có tuyến xe Đức Linh – Lâm Đồng hoạt động kinh doanh. Vì vậy nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản phục vụ nhân dân địa bàn 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh rất lớn. Tuy nhiên, đoạn tuyến này hiện nay hư hỏng nặng, nhiều “ổ gà” là điểm đen về an toàn giao thông, nhất là các đoạn dốc trên đèo và đặc biệt là vào mùa mưa, nước chảy tràn trên đèo rất nguy hiểm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, đồng bộ trong kết nối đoạn đầu tuyến và đoạn qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cần thiết xem xét đầu tư nâng cấp đoạn còn lại để giúp dân có điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời giúp những hộ dân tộc thiểu số sống ở khu vực này yên tâm định cư lâu dài…

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Dòng sữa” ngọt Sông Quao
“Mời bạn về thăm quê tôi, dải đất xanh bên bờ biển Đông. Từ lịch sử 300 năm, bao anh em cùng chung một nhà. Sông Quao xuôi về Cà Ty, dòng sữa chung ngọt ngào, ngàn đời, ngàn đời nuôi nấng tình người”. Đó là những câu từ khi nói về Bình Thuận, về hồ Sông Quao mà tôi muốn mượn lời trong bài hát “Bình Thuận quê hương tôi”.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần nâng cấp đoạn cuối tuyến ĐT 717