BT- Vốn thích vào bếp, từ nhỏ tôi đã tò mò theo mẹ học nấu ăn. Mẹ vẫn thường xoa đầu cười hiền hậu mỗi lần con gái lúi húi, mặt mũi dây cả tro bếp. Có hôm mẹ bận, tôi nghiễm nhiên thành người lớn thay mẹ đảm đang chuyện bếp núc. Mâm cơm cho cả nhà dẫu còn vụng về, món ăn cũng chẳng cầu kỳ nhưng ấm áp mỗi ngày. Giờ đây tuy biết nấu thật nhiều những món ngon nhưng cũng khó lòng nấu bữa ăn nóng hổi cho ba mẹ như ngày xưa. Cuộc sống xa quê mâm cơm bên gia đình mỗi ngày chỉ còn là những nỗi nhớ quay quắt, một cảm giác thèm những hương vị thân thương. Vốn nhà nông luôn bộn bề công việc quanh năm suốt tháng. Mẹ tôi, từ sáng sớm đã ra khỏi nhà với chiếc xe cọc cạch chở rau cải cho kịp buổi chợ. Ba thì đầu tắt mặt tối với ruộng vườn nên không phải lúc nào cả nhà cũng được quây quần đầy đủ bên mâm cơm nơi bàn ăn hay chái bếp. Mà nhiều khi lại là những lần cơm trưa mang theo lên nương rẫy. Nhớ những hôm trời đứng nắng. Dáng ba chon von trên lưng đồi, mồ hôi cứ tua tủa làm ướt cả tấm áo vải...
Xa quê bấy lâu. Tôi lập gia đình vẫn không quên lời dặn dò của mẹ: Bây giờ bây có điều kiện hơn ba mẹ ngày xưa, mỗi ngày có làm gì, đi đâu thì cũng phải tranh thủ về bên mâm cơm nhà. Giữ nếp nhà mới giữ “lửa” hạnh phúc gia đình nghe con. Ký ức ngày còn thơ giúp cũng giúp tôi hiểu ra rằng những giá trị của bữa cơm không chỉ vỏn vẹn quanh vị ngọt thơm hay nóng sốt của những món ăn, mà còn ở cái không khí ấm áp gần gũi quanh mâm cơm điều đã lưu lại bao thương nhớ. Bố mẹ ngày càng già, trong miết mải thời gian trôi đi cuồn cuộn ngôi nhà ấu thơ hiếm hoi những lần sum họp. Tôi chợt thương ba mẹ ngày ngày bên mâm cơm thiếu vắng đứa con bé bỏng ngày xưa. Thương những khi trái gió trở trời, cả những khi mâm cơm canh cá đủ đầy dọn ra thì vẫn thấy thiếu, lại bồi hồi: Con hai lâu quá chưa thấy về…
Uyên Thư