Trong đó, chú trọng 3 nội dung trọng tâm trụ cột đó là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, đã có những bước tiến triển tích cực, đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số thị xã quý I năm 2023.
Việc thực hiện Chính quyền số đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thị xã đã ứng dụng tốt chuyển đổi số vào phục vụ chỉ đạo, điều hành và trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan, đơn vị. 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thị xã, UBND các xã, phường sử dụng tốt phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chữ ký số, phần mềm một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh… Hiện nay, thị xã có 108 TTHC, trong đó có 70 TTHC mức độ 4, 38 TTHC mức độ 3; cấp xã có 15 TTHC trên cổng dịch vụ công tỉnh. Bộ phận Một cửa thị xã và 9/9 xã, phường đã áp dụng mô hình “Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4”, đã từng bước nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đối với các dịch vụ công mức độ 3,4.
Đối với nhiệm vụ phát triển Kinh tế số, thị xã cũng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt: VNPT Money, Viettel Money…; triển khai dịch vụ chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, từng bước ứng dụng nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Riêng lĩnh vực xã hội số, đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT HIS chính thức cho Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, TTYT thị xã La Gi, 2 phòng khám đa khoa và 8 trạm y tế xã/phường. Tất cả các trường học trên địa bàn thị xã đã triển khai phần mềm quản lý giáo dục vnEdu, Cổng thông tin điện tử. Bên cạnh đó, VNPT Bình Thuận cũng đã triển khai một số dịch vụ như Hệ thống phần mềm hỗ trợ học trực tuyến, Tuyển sinh đầu cấp, Hồ sơ giáo dục, Thanh toán không dùng tiền mặt… cho các trường học. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân cũng đã hiểu được những tiện ích mang lại, dần tiếp cận và sử dụng nhiều hơn các phần mềm mà cơ quan, ban ngành đã triển khai. Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội và hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng được tăng cường.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số thị xã quý I năm 2023, Chủ tịch UBND thị xã La Gi Phạm Trọng Nhân khẳng định: Chuyển đổi số không phải là việc của một cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện theo cách đơn lẻ, mà phải có hệ thống. Mọi tổ chức, cơ quan, người dân, doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm triển khai thực hiện. Cả hệ thống chính trị phải nghiêm túc thực hiện công tác CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính, điều hành bằng văn bản điện tử, tăng cường giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, số hóa văn bản… Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND xã, phường cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; Trong đó, ngành y tế cần triển khai chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo tiêu chí xã đạt chuẩn y tế quốc gia, xã nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác theo dõi, tuyên truyền, vận động, thu hút đoàn viên, hội viên hưởng ứng tham gia chuyển đổi số.
Đặc biệt, thị xã đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh La Gi (IOC La Gi) trong thời gian sắp tới.