Theo dõi trên

Lại chuyện thiếu lao động biển

02/03/2023, 05:37

Sau mỗi mùa Tết Nguyên đán, các chủ tàu lại “đỏ mắt” tìm kiếm lao động biển bởi nguồn lao động này không ổn định. Có nhiều tàu không thể ra khơi vì không đủ bạn thuyền dù trước đó, các thuyền viên đều ứng tiền với lời hứa chắc nịch cho chuyến biển tiếp theo…

Đầu tháng 2 dương lịch khi thời tiết tương đối thuận lợi, chủ tàu Lê Văn Hải (thị trấn Phan Rí Cửa) làm nghề vây rút chì đã định ngày ra khơi với 10 thuyền viên. Nhưng sát ngày, ông Hải phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm lao động, vì 3/10 người ấy bỗng dưng mất liên lạc, hoặc từ chối không đi. Dù trước đó, ông Hải cho mỗi người ứng trước 2 – 5 triệu đồng, sau chuyến biển sẽ trừ nợ sau. Ông Hải cho biết: “Trước đây, lao động biển dồi dào vì biển no, đi 5 – 7 ngày về chia vài triệu đồng. 2 năm trở lại đây, nghề biển rất khó khăn, giá dầu tăng, hải sản lại khan hiếm, đa số các tàu cập bến toàn báo lỗ hoặc huề vốn, tiền công chia cho bạn ít dần, khiến họ bất mãn nhảy lên bờ kiếm việc khác. Để giữ chân bạn thuyền, chúng tôi phải ứng tiền trước, thậm chí chia tiền lời 20 – 40% cho họ sau khi trừ chi phí, nhưng vẫn không thu hút lao động biển”.

untitled_1.1.5.jpg
Thực tế, đang có sự chuyển dịch từ lao động nghề biển sang các ngành nghề khác (ảnh: N. Lân)

Để chuyến biển có thể ra khơi như dự định, ông Hải phải chấp nhận những lao động không có kinh nghiệm hoặc huy động người nhà dù đã lớn tuổi. Theo nhiều chủ tàu ở huyện Tuy Phong, hiện nay nhiều tàu cá ra khơi trong điều kiện không đủ lao động, chỉ những vị trí thuyền trưởng, máy trưởng buộc phải có, còn lại số lượng thuyền viên đều thiếu, dẫn đến năng suất khai thác giảm, cộng với giá dầu cao, giá hải sản không tăng, nên nhiều tàu quyết định nằm bờ khi không tìm đủ lao động, vì có vươn khơi cũng nắm chắc phần lỗ. Một tuần trở lại đây, gió thổi mạnh, thời tiết không thuận lợi càng khiến ngư dân có cớ ở nhà và lượng tàu thuyền nằm bờ nhiều hơn.

img_8780.jpg
Để giữ chân bạn thuyền, chủ tàu phải ứng tiền trước

Đi dọc sông Cà Ty những ngày cuối tháng 2, tàu thuyền lớn nhỏ nằm chật kín 2 bên bờ. Ngư dân nào cũng nói gió quá chưa ra khơi được, đây cũng là lúc họ tranh thủ tìm lao động, sửa lại máy, sắm tay lưới mới cho chuyến hành trình tiếp theo. Chúng tôi vô tình gặp anh Nguyễn Cho (45 tuổi), người Phú Yên đang ngồi vá lưới bên mé bờ sông, hỏi anh đang làm cho tàu nào, anh cho biết: “Tôi đi biển hơn 20 năm rồi, vào Bình Thuận nhảy đủ tàu, giờ đang đi cho tàu ông Lê Phước (Đức Thắng). Cách đây khoảng 10 năm, nhiều lao động biển ở các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… vào Bình Thuận làm nhiều lắm. Nhưng giờ đi biển vất vả quá, vừa nguy hiểm lại thu nhập không cao như trước, nên thanh niên sau này không mặn mà nghề biển nữa, chỉ có những người trung niên như tôi trở lên mới bám trụ nổi. Gần đây, những lao động biển ở tỉnh khác về quê tìm việc, ăn tết xong không vô lại nữa, nên nhiều tàu kiếm lao động không ra”. Đã thế, nhiều chuyến biển chủ tàu thua lỗ, không có lợi nhuận, bạn tàu cũng không được chia, hoặc chủ tàu chỉ hỗ trợ một phần nhỏ để giữ chân lao động. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động không còn mặn mà nghề biển. Thực tế, đang có sự chuyển dịch từ lao động nghề biển sang các ngành nghề khác. Hiện nay, việc áp dụng công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ngư cụ khai thác hiện đại trên các tàu cá vẫn chưa nhiều, nên các tàu cá vẫn cần nhiều lao động trong mỗi chuyến ra khơi.

z3793113061072_cd554b02c872d81948c77e96795668b3.jpg
Nhà nước cần phải có chính sách để đào tạo lao động nghề biển một cách bài bản

Được biết, trong định hướng phát triển ngành thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của tỉnh, sẽ giảm dần số lượng tàu cá để giảm cường lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nâng cao hiệu quả khai thác. Điều này đồng nghĩa với nâng cao thu nhập, đời sống cho lao động nghề biển. Cùng với đó, những năm gần đây, ngành chức năng tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, khuyến khích các chủ tàu áp dụng khoa học công nghệ, ngư cụ, trang thiết bị hàng hải hiện đại trên các tàu khai thác xa bờ, để giảm số lượng lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho lao động biển. Song song đó, nhà nước cần phải có chính sách để đào tạo lao động nghề biển một cách bài bản, có tay nghề vững, giúp ngư dân ổn định đời sống, cải thiện thu nhập, hạn chế tình trạng chuyển dịch lao động từ biển lên bờ một cách ồ ạt.

Toàn tỉnh có hơn 5.700 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, trong đó có 1.946 chiếc tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động khai thác thủy sản ở vùng xa bờ. Ngành khai thác thủy sản đã tạo việc làm cho hơn 46.000 lao động, trong đó có khoảng 15.000 lao động trực tiếp khai thác trên các tàu xa bờ.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Các xã ven biển chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản
Tăng cường bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái ven biển, hải đảo, gắn với sinh kế của cộng đồng ngư dân, nhân rộng các mô hình đồng quản lý. Đó là 1 trong những nội dung đang được triển khai tại 3 xã vùng biển của huyện Hàm Thuận Nam, gồm Tân Thành, Tân Thuận và Thuận Quý, thông qua mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lại chuyện thiếu lao động biển