Theo dõi trên

Làm gì khi nhiều hồ chứa cạn nước do hạn hán?

26/03/2024, 05:19

Thời điểm này, nhiều hồ chứa trong tỉnh đã cạn nước, vì vậy việc triển khai nhanh các giải pháp ứng phó đang được ngành nông nghiệp tỉnh và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cùng các địa phương phối hợp thực hiện khẩn trương, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Thiếu hụt nguồn nước

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, do ảnh hưởng hiện tượng El Nino nên mùa mưa năm nay kết thúc sớm, tình hình nguồn nước trong tỉnh không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Tính đến ngày 23/3/2024, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi là 116/364 triệu m³ đạt 31,9% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38,85 triệu m³. Trong đó, một số hồ lớn như Sông Lũy dung tích hữu ích hiện tại 17,85 triệu m3, đạt 18,6% dung tích thiết kế; hồ Đá Bạc 3,21 triệu m3, đạt 39,2%… Đối mặt với tình trạng nắng hạn kéo dài, đến thời điểm này ghi nhận đã có 365 ha cây trồng bị thiệt hại, chủ yếu là thanh long và rau màu trên địa bàn Hàm Thuận Nam. Ngoài ra, diện tích thanh long có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 1.175 ha tại Hàm Tân, thị xã La Gi…

z5273934086898_806dfab74756123f32321e1e7875e6e8.jpg
Hồ Tà Mon đang "trơ đáy".

Đáng chú ý, hiện nay một số hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đã cạn nước, trong đó có công trình hồ chứa Tà Mon đang tưới vượt diện tích so với thiết kế và chưa có nguồn nước bổ sung từ các nguồn khác nên hàng năm thường vào cuối tháng 3 hồ hết nước. Đặc biệt trong năm 2024, mùa mưa kết thúc sớm nên trong tháng 11/2023 hồ Tà Mon đã mở nước phục vụ tưới cho cây thanh long, hiện đã mở nước phục vụ tưới được 7 phiên tưới và phiên tưới cuối cùng kết thúc vào ngày 2/3/2024 vì hồ hết nước.

z5245348733214_159e697c08f85b2306184b60220e1c2f.jpg
Hoa màu thiếu nước tưới.

Trước tình hình này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi - Chi nhánh Hàm Thuận Nam đã đề nghị UBND xã Tân Lập tuyên truyền, vận động người dân không chong đèn thanh long trái vụ và có giải pháp tưới tiết kiệm, mở rộng thêm ao, khoan giếng, đắp các cản, đập tạm trên suối để tích trữ nguồn nước nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất. Một công trình khác là hồ chứa nước Ba Bàu đang mở nước phục vụ tưới cho 2 tuyến kênh, gồm kênh chính Đông dự kiến kết thúc phiên tưới vào ngày 30/3 và kênh chính Bắc dự kiến kết thúc phiên tưới vào ngày 4/4. Đây cũng là phiên tưới cuối cùng của 2 tuyến kênh, nên người dân cần chủ động có giải pháp tích trữ nguồn nước.

z5273934088595_98037e9a1b285e26beed3a7c5ff53272.jpg
Đoàn công tác của Cục Thủy lợi về phòng, chống hạn hán tại Bình Thuận vào ngày 22/3/2024.

Giải quyết khó khăn, ưu tiên nước sinh hoạt

Ông Hồ Đắc Nghĩa – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, thêm khó khăn, vướng mắc hiện nay là đa phần hệ thống kênh tưới, kênh tiếp nước trên địa bàn tỉnh là kênh đất, chưa được kiên cố nên thất thoát nước lớn. Mặt khác do kênh đất nên thường xuyên bị sạt lở mái, bồi lấp lòng kênh gây cản trở dòng chảy và việc nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng của một số địa phương vẫn chưa được quan tâm. Trong đó, các hồ chứa như Tân Lập, Tà Mon, Tân Hà, Lâm trường Sông Dinh, Sông Khán có quy mô nhỏ nên khả năng tích trữ nguồn nước không nhiều… Bên cạnh những khó khăn này, thực tế cho thấy hiện một số khu vực người dân chưa có ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, thường hay vi phạm, xâm phạm hành lang bảo vệ công trình như cản nước dưới lòng kênh, đục phá kênh để lấy nước, thả rác xuống lòng kênh, gây cản trở dòng chảy và ô nhiễm môi trường…

Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước khi nhiều hồ chứa cạn nước? Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cho rằng thời điểm này các địa phương cần nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng. Mặt khác phổ biến cho nhân dân biết về khả năng có thể xảy ra nguy cơ hạn hán, thiếu nước để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, đúng mức, đúng mục đích.

Đáng chú ý, trong chuyến kiểm tra tình hình phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn Bình Thuận cuối tuần qua, ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng đoàn công tác sau khi nắm tình hình và đi thực địa tại một số vùng khô hạn trong tỉnh, đã lưu ý Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cần lên kế hoạch cấp nước phù hợp. Trong đó, ưu tiên cấp nước sinh hoạt và đảm bảo nước tưới cho sản xuất lúa đến tháng 6/2024...

Trước diễn biến khô hạn còn có khả năng kéo dài, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, kế hoạch cấp nước thời gian mùa khô còn lại năm 2024 của công ty là tiếp tục quản lý nguồn nước, điều tiết nước hợp lý tưới cho 23.910 ha lúa vụ đông xuân, 19.330 ha thanh long và 411 ha nuôi trồng thủy sản. Về cấp nước cho sinh hoạt, tiếp tục cấp nước cho các nhà máy nước với kế hoạch là 8.220.000 m³/1 tháng.

KIỀU HẰNG


(1) Bình luận
Bài liên quan
Hạn hán trở thành mối lo dài hạn tại Tây Ban Nha
Tây Ban Nha đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) viện trợ khẩn cấp cho nông dân đang bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán nghiêm trọng đe dọa mùa màng ở nước này.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì khi nhiều hồ chứa cạn nước do hạn hán?