Theo dõi trên

Lâm Hồng Long với những ngày tháng 4/1975

12/04/2024, 05:10

Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp lại” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã trở thành biểu tượng của sự đoàn tụ và tính nhân hậu của người mẹ thầm lặng hy sinh vì đất nước.

Ông Lâm Hồng Long sinh ra tại làng Phước Lộc, huyện Hàm Tân (La Gi), tỉnh Bình Thuận (1925) nhưng từ rất sớm ông thoát ly, tham gia phong trào thanh niên sau Ngày Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công. Đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc và trở thành phóng viên nhiếp ảnh thuộc cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)… Trong suốt thời gian trên 25 năm được đào tạo, trưởng thành trong ngành thông tấn báo chí - TTXVN, đặc biệt trên các mặt trận luôn phải đi đầu, chạm mặt với giữa sống và chết. Tên tuổi Lâm Hồng Long được gắn liền với nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử, tái hiện những sự kiện thời sự chính trị, ngoại giao quan trọng diễn ra ở miền Bắc. Tại Bình Thuận, Lâm Hồng Long có tên trong Ngân hàng tên đường thuộc danh mục “Những danh nhân tiêu biểu trên quê hương Bình Thuận” và Lâm Hồng Long được đặt tên cho 2 con đường tại thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi.

lam-hong-long.jpg
Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (phải) và nhà báo Trần Mai Hưởng qua Phan Rang - Phan Thiết trên đường Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975. Ảnh tư liệu.

Năm 1996, giải thưởng Hồ Chí Minh lần 1 về Văn học nghệ thuật, Lâm Hồng Long là 1 trong 4 nghệ sĩ nhiếp ảnh, đại diện cho lực lượng nhiếp ảnh trong nước nhận giải thưởng cao quý này. Đó là bức “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” và bức “Mẹ con ngày gặp lại”. Ông có lần tâm sự về may mắn trong nghề: “Đó là lịch sử dành cho tôi những giây phút hiếm có để ghi được những bức ảnh đi vào lòng người!”. Tôi nghĩ ở đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là tình cảm, tâm hồn của người cầm máy biết rung động, biết giữ lại những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất. Với bức ảnh “Mẹ con ngày gặp lại” được chụp tại doanh trại Rạch Dừa (Vũng Tàu) ngày 6/5/1975. Hôm đó cơ quan TTXVN tại Sài Gòn phân công ông tham gia đoàn ra Vũng Tàu đón chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị cầm tù từ Côn Đảo về, trong đó có 36 chiến sĩ mang án tử tù. Trong lòng ông nghĩ chắc trong đoàn này sẽ có người em, con gái của người chú ruột Lâm Quan, là chị Lâm Hồng Nhạn (La Gi). Khởi hành từ Sài Gòn do xe ô tô trục trặc nên khi đến địa điểm tiếp đón thì đã trễ, nhưng ông chợt bắt gặp cảnh hớt hãi của người mẹ già, vai khoác chiếc khăn rằn Nam bộ, tay xách chiếc giỏ lát đang hối hả vào cổng doanh trại thì cùng lúc một thanh niên là cựu tù mặc bộ bà ba đen bước ra. Sau giây phút chần chờ rồi dang tay, ngã đầu vào vai mẹ và thốt lên: “Con đây má ơi! Con còn sống đây”… Lâm Hồng Long với một thao tác từ cảm xúc đã bấm liên tục các góc ảnh và ông cũng không kiềm chế được đôi dòng nước mắt đang trào ra, ướt trên má mình. Không mấy ngày sau bức ảnh đẹp như tượng đài về tình cảm thiêng liêng, đậm nét nhân văn do TTXVN lan tỏa trên các báo trong nước và truyền thông ngoài nước. Tác phẩm này được Đại hội lần thứ 21 của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) họp tại Tây Ban Nha năm 1991 trao tặng bằng Tuyên dương danh dự, đồng thời kết nạp ông làm hội viên của Liên đoàn.

me-con.jpeg
Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp lại” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Ảnh tư liệu.

Về tên gọi bức ảnh chỉ hai màu đen trắng nổi tiếng này, có nhiều báo đài gọi là Mẹ con ngày gặp mặt, Mẹ con gặp mặt sau ngày giải phóng, Ngày hội ngộ, Mẹ con ngày gặp nhau…Với Lâm Hồng Long, không mấy quan tâm nhưng chính xác phải là “Mẹ con người tử tù Côn Đảo”. Cách chọn tựa đó mới thật sự đúng như phong cách sống trung thực, giản dị của ông.

Vừa qua, ngày 2/4/2024 đoàn nhà báo nguyên lãnh đạo cơ quan TTXVN từ Hà Nội làm cuộc hành trình xuyên Việt theo dấu tiến quân dọc duyên hải miền Trung, tham gia chiến dịch tổng tiến công giải phóng Sài Gòn năm 1975… Trong đó, nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên Tổng Giám đốc TTXVN và người em là nhà báo - nhà văn Trần Mai Hưởng nguyên Tổng Giám đốc TTXVN đã ghé đến Từ đường họ Lâm có thờ di ảnh của Lâm Hồng Long tại phường Phước Hội, thị xã La Gi để thắp nén hương tưởng nhớ đến ông. Dù Lâm Hồng Long đã mất cách đây 27 năm nhưng đến ngày 30/4 lại nhớ về người đồng đội từng gắn bó không bao giờ quên. Đây là hai nhân vật có vai trò chứng nhân lịch sử ở ngày 30/4/1975 trên cương vị người cán bộ tháo vát của ngành thông tấn báo chí bấy giờ. Theo anh Trần Mai Hưởng kể lại, từ đầu tháng 4/1975 đội quân phóng viên biên tập tin, nhiếp ảnh, bộ phận kỹ thuật… đã có mặt tại Quy Nhơn, bám theo các mũi tiến công quân sự, thay phiên nhau vừa đi bằng ô tô vừa bằng xe honda…

Đến Phan Rang, đây là lá chắn thép bởi lực lượng phòng thủ chiến lược quan trọng của quân đội Sài Gòn đã bị ta phá vỡ, nên đường tiến quân hướng về phía nam nhanh hơn. Nhưng điện đài phát tin bài về tình hình giải phóng Phan Rang gửi về Hà Nôi gặp khó, sẽ không kịp thời nên phải quay về lại Nha Trang. Sau một ngày nghỉ dưỡng sức rồi lại tiếp tục lên đường, Trần Mai Hưởng và Lâm Hồng Long lại nhập đoàn đi bằng xe honda hướng về Phan Thiết, có lúc thay nhau lái. Anh Hưởng nhớ lại: “Bác Long với tâm trạng mừng vui nhưng có gì đó trong ông xao động, suy tư bởi ông vốn là người lặng lẽ, khép kín nỗi riêng mình”. Đến Phan Thiết lúc này, ngày 19/4 đã được hoàn toàn giải phóng, sinh hoạt thành phố đã dần ổn định. Không khó khăn mấy ông gặp lại người thân, chỉ còn mẹ già (cha ông đã mất) ở ngôi nhà xưa. Trong bữa cơm sum họp, có một người phụ nữ dáng mảnh khảnh khoảng tuổi 50 xuất hiện trong không khí ấm áp của gia đình, nhưng theo anh Hưởng nói đã nghe ông Long tâm sự nên biết đây chính là chị T. người yêu của ông Long từng hứa hôn. Năm 1948 khi ông bị Pháp bắt cầm tù ở Phan Thiết rồi giải về giam ở nhà lao Con Gà (Trại an trí - Đà Nẵng), chị T. có lần ra thăm. Có lẽ trong lòng ông luôn khắc khoải, không biết nói sao đây. Bởi ngày ông Long đi tập kết, như mọi người đều hẹn sau hai năm khi đất nước thống nhất sẽ trở về, nhưng rồi nhiều hoàn cảnh bị đảo lộn. Ông Long lập gia đình và đã có hai con ở miền Bắc. Bồn chồn với cảnh mừng vui hội ngộ gia đình nhưng cũng là nỗi khổ tâm ray rức trong lòng ông. Tuy vậy ông cũng phải về Hàm Tân (La Gi) là nơi ông được sinh ra, còn ở đó người chú cùng vài anh em ruột thịt và họ hàng. Nhưng không mấy ngày Lâm Hồng Long một mình với chiếc honda đuổi kịp theo đoàn TTXVN đang ở tư thế sẵn sàng vào trận quyết định của chặng đường lịch sử dân tộc.

Trong tập hồi ký “Phóng Viên Chiến Trường” của Trần Mai Hưởng (Nhà xuất bản Thông Tấn - 2023) có ghi lại kỷ niệm những ngày đồng hành cùng Lâm Hồng Long chứng kiến về sự kiện hai mẹ con tử tù gặp nhau. Sau bao nhiêu năm cách biệt tưởng chừng không còn gặp lại, mẹ con mừng quá chỉ ôm nhau khóc. Giây phút xúc động của bà mẹ gặp lại con đúng là lúc Lâm Hồng Long có mặt. Không chần chừ, với chiếc máy ảnh hiệu Rolleiflex ông bấm luôn một lúc 8 kiểu phim từ các góc độ khác nhau. Anh Hưởng chia vui với Lâm Hồng Long: “Lịch sử cũng đã khéo trao cho bác, một người phóng viên quê hương miền Nam, sau bao năm xa cách trở về quê hương có cơ hội ghi lại hình ảnh đó”.

Cũng cần phải nói thêm về nhân vật trong ảnh. Cuối năm 1996, chương trình văn nghệ Chủ nhật Đài Truyền hình Việt Nam VTV3 về Hàm Tân (La Gi) và Bến Tre làm những thước phim, tái hiện cuộc đời hoạt động của tác giả Lâm Hồng Long và hai nhân vật trong bức ảnh lung linh huyền thoại, tức sau khi ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I với tên bộ phim “Khoảnh khắc và lịch sử”. Bộ phim này đạt giải vàng trong liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 1997. Được biết tháng 8/1999 hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh cũng dựng bộ phim tài liệu “Người tử tù - chân dung một con người”, lúc đó bà Trần Thị Bính - mẹ anh Lê Văn Thức, người tử tù năm xưa đã 93 tuổi. Anh Thức sớm tham gia hoạt động cách mạng, vừa đậu tú tài I, tổ chức quyết định cho anh theo học khóa 21 sĩ quan trừ bị VNCH - Trường bộ binh Thủ Đức. Là chiến sĩ cách mạng hoạt động tình báo đơn tuyến, chấp nhận mất mát hy sinh nhưng nỗi khổ của người mẹ âm thầm hứng chịu dư luận, bà con gièm pha, xa lánh vì đối với một gia đình có người con gái Lê Thị Tố - chị của Thức, từ năm 1946 đã tham gia cách mạng, bị Pháp bắn chết và mất xác, mà như vậy sao! Nhiệm vụ của một tình báo nội tuyến với lon thiếu úy VNCH nhưng bị bại lộ, ra tòa án binh chịu án tử mang số tù 268, đến tháng 11/1968 đày ra Côn Đảo. Mãi đến hai mươi năm sau khi đoàn làm phim của VTV3 xuống Bến Tre, anh Thức mới gặp được tác giả bức ảnh mẹ con anh.

Năm 1981, Lâm Hồng Long nghỉ hưu. Tuy vợ con ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng ông vẫn thường về quê nhà La Gi. Ngôi nhà tự dòng họ Lâm là một khoảnh vườn có tàng cây xanh tuy giữa phố nhưng khá yên tịnh. Ông thui thủi một mình, thi thoảng mang máy rong ruổi bờ biển, cánh đồng như để hồi tưởng lại thời niên thiếu.

Nhiều bài báo viết về Lâm Hồng Long đã có những nhận xét, đánh giá cao sự thành công của ông qua nhiều tác phẩm gây ấn tượng, đầy xúc động với người xem. Có thể nói Lâm Hồng Long là người chép sử bằng hình ảnh, bởi mỗi bức ảnh của ông đã tái hiện một sự kiện phản ánh tính chân thật và sống động. Với bộ album tư liệu ảnh của ông tôi được xem, cho thấy ông là người “giàu có” nhất đối với cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật cho sự nghiệp chung, đó là những thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình và lòng nhân ái. Lâm Hồng Long rất hạnh phúc trong nghề từ quá trình tiếp cận nhiều sự kiện chính trị, nhiều nhân vật lừng danh… Với chiếc máy ảnh trên vai ông đi nhiều quốc gia và khắp miền đất nước. Sự thành công ở mỗi tác phẩm là sự cô đọng, tư duy lao động nghệ thuật của ông và đó cũng là tính nhân bản, tiêu biểu sức mạnh, tình cảm của Việt Nam. Lâm Hồng Long từng thừa nhận, lịch sử đã dành cho tôi những giây phút hiếm có để ông có được những tác phẩm nghệ thuật giá trị hôm nay. Nhưng theo tôi, ông đã có nhiều cơ hội và được trưởng thành từ môi trường báo chí đặc thù của ngành Thông tấn xã Việt Nam, trong hoàn cảnh chiến tranh, với nhiều thử thách bởi Lâm Hồng Long có trái tim giàu cảm xúc của người nghệ sĩ và góc nhìn tinh tế của một nhà báo đã làm nên những tác phẩm để đời.

PHAN CHÍNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Thư viện xanh” khơi dậy hứng thú đọc sách cho học sinh
Để duy trì, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, thời gian qua các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư mô hình “Thư viện xanh” nhằm tạo môi trường thân thiện, giúp học sinh hình thành, phát triển kỹ năng và thói quen đọc sách, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lâm Hồng Long với những ngày tháng 4/1975