Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, đây là lần đầu tiên Sở LĐ-TB&XH tổ chức thi theo hình thức trực tuyến là hoạt động tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật trên mạng internet. Cuộc thi có những ưu điểm như thiết kế giao diện phần mềm tiện lợi, phương tiện sử dụng dự thi linh hoạt, các thí sinh dễ dàng tham gia mọi lúc mọi nơi với phương châm “Không được giải cũng được Luật”. Nhờ đó, qua 1 tháng triển khai từ ngày 15/11 đến ngày 15/12, cuộc thi có sức lan tỏa lớn thu hút hơn 10.000 người tham gia, tạo hiệu ứng xã hội trên diện rộng và để lại những dấu ấn tích cực. Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia dự thi tìm hiểu, trong đó có những tập thể có đông thí sinh như các trường THPT, Trường Cao đẳng Bình Thuận, chiến sĩ lực lượng vũ trang hoặc có ít thí sinh tham gia nhưng đạt tuyệt đối số thí sinh trả lời đúng như UBND xã Hàm Phú - huyện Hàm Thuận Bắc. Dựa trên phần mềm và thể lệ cuộc thi, Ban tổ chức đã chấm chọn 11 tập thể, 16 cá nhân đạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích.
Bà Trần Thị Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được xác định là nội dung quan trọng, làm sao đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đây là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân. Khi phổ biến, giáo dục pháp luật thì một trong những yêu cầu quan trọng chính là chuyển tải chính xác các quy định pháp luật nhưng đồng thời phải có hình thức, cách thức sinh động, tránh gây nhàm chán cho người tiếp cận. Đây cũng là khó khăn chung cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có thể vừa tuyên truyền, phổ biến chính xác các quy định pháp luật vừa có thể thu hút, hấp dẫn được các đối tượng được phổ biến pháp luật.
Chính vì vậy, sở đã tổ chức cuộc thi bằng hình thức trực tuyến với chủ đề “Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới” trên phạm vi toàn tỉnh. Với hình thức này, thí sinh tìm hiểu pháp luật khi tiếp cận pháp luật không có cảm giác khô cứng, đối phó mà như đang tích lũy các kiến thức để tham gia vào một sân chơi, thể hiện mình và giao lưu, chia sẻ kiến thức. Tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi và thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu pháp luật của những người tham gia. Từ đó, các quy định pháp luật dần đi vào nhận thức của thí sinh một cách chủ động, tự nguyện và góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH mong muốn các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Sở trong việc duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không chỉ riêng lĩnh vực bình đẳng giới mà còn các lĩnh vực khác của ngành LĐ-TB&XH. Thông qua đó, truyền tải các quy định pháp luật một cách kịp thời, chính xác, dễ hiểu, dễ nhớ; góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.