Theo dõi trên

Lan tỏa phong trào học tập suốt đời

11/01/2022, 09:08

BT- Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã được các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh quan tâm phát triển rộng rãi và ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua xây dựng các mô hình học tập, phong trào đã có tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

quy.jpg
Tiếp nhận Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” (ảnh tư liệu). Ảnh: Đ. Hòa

Dòng họ Trần thuộc thôn Tà Mon, xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam) là một trong những điển hình về xây dựng “gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng học tập, đơn vị học tập”. Dòng họ Trần có 18 hộ có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Trị vào thôn Tà Mon lập nghiệp. Là một dòng họ có truyền thống hiếu học, được kế thừa từ tổ tiên để lại nên các gia đình trong dòng họ luôn quan tâm đến việc học của con cháu. Từ năm 2010, dòng họ Trần đã thành lập chi hội khuyến học, xây dựng các quy định của dòng họ về khen thưởng con em học giỏi, nhắc nhở con cháu phấn đấu học tập, lập quỹ khuyến học dòng họ. 100% gia đình trong dòng họ đều tự nguyện đăng ký “Gia đình hiếu học” và chủ động giáo dục, động viên con cháu tích cực học tập, thi đua làm kinh tế giỏi. Nhờ có sự động viên kịp thời của chi hội khuyến học dòng họ nên con cháu trong dòng họ ngày càng học giỏi, thành đạt, có việc làm ổn định. Đặc biệt, hiện dòng họ có 5 thạc sĩ, 1 bác sĩ, 8 giáo viên đang công tác tại tỉnh và nhiều con cháu đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Kết quả, từ năm 2016 – 2021, 18/18 hộ gia đình trong dòng họ đều đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học” trong 4 năm liền, riêng dòng họ Trần được công nhận “Dòng họ hiếu học” điển hình cấp tỉnh, huyện…

Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ về “đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng” đã được các cấp Hội Khuyến học tại tỉnh ta quan tâm phát triển và đem lại kết quả tích cực. Trong 5 năm (2016 – 2020), các mục tiêu của phong trào đề ra thực hiện đạt và vượt, như xây dựng mô hình Gia đình hiếu học đạt 72% (vượt 2%), dòng họ hiếu học đạt 83% (vượt 33%), cộng đồng học tập đạt 90% (vượt 40%); đơn vị học tập đạt 91% (vượt 41%)… Thông qua phong trào đã khơi dậy truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc ta qua việc chính bản thân ông bà, cha mẹ chăm lo việc học của con cháu và chính bản thân mình. Nhờ đó, trong những năm qua, học sinh trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo 100% được đến lớp, bậc tiểu học được phổ cập, học sinh THCS, THPT phần lớn được học tập tốt, tỷ lệ học sinh bỏ học, mắc tệ nạn ma túy đều giảm… Qua xây dựng các mô hình học tập đã tạo ra nhiều nhân tố mới, thành phần mới trong xã hội. Đó là từ những gia đình nông dân bình thường ở nông thôn, gia đình nghèo ở thành thị tích cực lo cho con học hành thành đạt, cuộc sống được cải thiện, có địa vị trong xã hội, họ trở thành những gia đình khá giả, gia đình trí thức, được mọi người xem là điển hình để làm theo.

Bên cạnh đó, cuộc vận động "Tiếp bước cho em đến trường" hàng năm giúp đỡ hàng chục ngàn học sinh nghèo hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học được đến trường học tập và hỗ trợ hàng ngàn học sinh nghèo hiếu học được học tập thành tài để có nghề nghiệp, có công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình. Qua 10 năm (2011 – 2020) thực hiện, quỹ khuyến học các cấp trong tỉnh đã vận động trên 290 tỷ đồng (kể cả hiện vật quy tiền). Đây là nguồn động viên kịp thời giúp học sinh nghèo vượt khó, học giỏi vươn lên. Và cũng phần nào chia sẻ bớt khó khăn cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có con đang đi học được cắp sách đến trường, mang lại sự công bằng trong học tập, thúc đẩy truyền thống hiếu học tỉnh nhà.

Phát huy những thành tích đạt được, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục phấn đấu để thực hiện thành công phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và cuộc vận động "Tiếp bước cho em đến trường" để hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo, giúp đỡ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn được học tập nên người.

Toàn tỉnh hiện có 1.533 chi hội khuyến học thôn, khu phố, cơ quan, trường học, dòng họ, hội đồng hương, nhà chùa, nhà thờ ở cấp xã và 226 Ban khuyến học các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Hơn 80% chi hội thực hiện được nhiệm vụ xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, Đơn vị học tập và Cộng đồng học tập, tham gia công tác vận động Quỹ khuyến học, giúp đỡ học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học và vận động học sinh bỏ học trở lại trường.

THANH THỦY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lợi ích sử dụng mạng xã hội trong học tập
BT- Mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter...) ngày càng trở nên phổ biến và gần gũi với mọi người, đặc biệt đối với giới trẻ. Nó đem lại rất nhiều lợi ích cũng như tác động tích cực nếu được sử dụng một cách hợp lý. Các bạn trẻ hiện nay sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau nhằm giúp nâng cao hiệu quả học tập.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan tỏa phong trào học tập suốt đời