Trao học bổng cho các em học sinh ở Hàm Thuận Nam. |
Đa dạng hình thức vận động quỹ
Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 trường THPT, 1 trường dân tộc nội trú, 13 trường THCS, 28 trường tiểu học, 12 trường mẫu giáo, 2 trường mầm non, 13 Trung tâm học tập cộng đồng, 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên là cơ sở thuận lợi cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đào tạo nghề tại địa bàn huyện… Nếu như năm học 2007 - 2008 tỷ lệ học sinh bỏ học bậc tiểu học 0,35%, THCS 5,7%, thì đến năm học 2015 - 2016 tỷ lệ học sinh bỏ học bậc tiểu học giảm còn 0,019%,THCS còn 2,85%. 10 năm qua, toàn huyện đã vận động được 11 tỷ 385 triệu đồng đóng góp cho Quỹ khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường” (kể cả hiện vật quy tiền).
Để đạt được kết quả đó, các hội cơ sở và trường học cũng đã có nhiều hình thức vận động gây quỹ khá phong phú, đa dạng. Nổi rõ, Đoàn thanh niên với mô hình “Tiếp bước cho em đến trường”; Hội Phụ nữ và ngành giáo dục với phong trào cùng em đến trường; các trường học với phong trào chạy việt dã vào đầu năm học để gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Một số Hội Khuyến học các xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, hội quần chúng và trường học tổ chức đêm văn nghệ ủng hộquỹ khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường” và kêu gọi các doanh nghiệp và con em xã nhà đi làm ăn xa thành đạt chung tay góp sức ủng hộ quỹ. Nhờ đó, toàn huyện đã có 20.199 học sinh, sinh viên nghèo được cấp học bổng với số tiền trên 7,9 tỷ đồng; khen thưởng học sinh và hỗ trợ giáo viên khó khăn 18.848 suất với số tiền trên 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng sửa chữa trường lớp… Đã có nhiều cơ quan, đơn vị trường học tổ chức hoạt động khuyến học khá hiệu quả và thiết thực như: Trường THPT Hàm Thuận Nam, THPT Lương Thế Vinh, Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện huyện, Hội LHPN huyện….
Quan tâm vùng sâu, vùng xa
Phấn đấu đến năm 2020, Hàm Thuận Nam có 85% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương và có qua lớp đào tạo nghề; 100% cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 40% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ; 60% học sinh được học kỹ năng sống tại cơ sở giáo dục… Để đạt được mục tiêu ấy, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tiến hành thành lập Ban Khuyến học gắn với phát triển hội viên và nâng cao chất lượng hoạt động. Trước mắt, có kế hoạch rà soát, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các cơ sở hội còn yếu kém. Nhất là các cơ sở hội khuyến học vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ chi hội trưởng thật sự có tâm huyết, nhiệt tình, năng động. Cùng với đó, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân, CBCC, LLVT, các cơ quan, đơn vị, tổ chức KT-XH, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp, ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài và cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”. Trong đó coi trọng việc tham mưu cho BCĐ vận động khai thác các nguồn, kể cả những người con của huyện làm ăn thành đạt ở các tỉnh, thành trong cả nước và nâng độ đồng đều quy mô nguồn quỹ ở hai cấp huyện và xã…
T.HÀ