Do đó, những ngày này, tại làng nghề thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc mọi người tất bật với bao công việc, kịp làm ra những chiếc bánh cốm đẹp mắt, có hương vị đặc trưng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bà Trần Thị Mười (SN 1962), ngụ khu phố Phú Thành, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc có thâm niên hơn 40 năm làm nghề rang nổ chia sẻ, do khởi động hơi muộn nên những ngày qua, bà phải đỏ lửa rang nổ cả ngày, lẫn đêm, kịp cung cấp cho khách hàng khoảng 1,5 tấn nổ/3 tấn nguyên liệu nếp đã chuẩn bị từ sớm. Nguyên liệu nếp phải được chọn từ vụ trước đem phơi khô, cất kỹ đến giáp tết mới dùng. Trước khi rang, nếp phải được làm sạch bụi, loại bỏ những hạt lép, giúp hạt nổ không bị nhiễm bẩn, rồi rấm nước và ủ khoảng 3 ngày thì hạt nổ mới bung đều, đạt sản lượng cao nhất. Tuy vất vả nhưng bà Mười vẫn thấy vui, vì muốn góp phần lưu truyền nét đẹp văn hóa của tết cổ truyền dân tộc.
Nguyễn Thị Thiệp – khu phố Phú Thịnh, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, hiện thị trấn Phú Long còn 3 gia đình làm bánh cốm truyền thống vào dịp Tết Nguyên đán. Để kịp cung cấp cho thị trường từ 8.000 – 8.400 bánh cốm truyền thống, với nguyên liệu được chuẩn bị từ 1 – 1,5 tấn nổ, bà đã huy động hơn 10 nhân công để làm. Người phụ trách khâu chế biến nguyên liệu gừng; người phụ trách khâu thắng nước đường, người phụ trách khâu trộn nổ, ép cốm, người dán cốm… Để làm ra được chiếc bánh cốm đẹp mắt, chất lượng và ngon miệng là cả một quá trình chế biến công phu, từ khâu chọn nếp, xử lý nếp đến rang nổ, ngào đường, ép, phơi và gói bánh, tất cả các công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn thận, chuyên tâm của người chế biến.
Dù ngày nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh mứt phong phú và đa dạng, nhưng chiếc bánh cốm truyền thống vẫn có riêng một vị trí đặc biệt trong lòng người dân thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Chiếc bánh cốm dâng cúng tổ tiên, ông bà khi tết đến xuân về là nét đẹp truyền thống của dân tộc luôn được mọi gia đình gìn giữ.