Qua lấy ý kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Mặt khác, tạo sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch, thực chất; tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhân dân tham gia góp ý.
Các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp; việc tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.
Nội dung lấy ý kiến lần này toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó, tập trung một số vấn đề trọng tâm như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.
Đối tượng lấy ý kiến gồm: HĐND, UBND các cấp; cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức kinh tế khác; các tầng lớp nhân dân.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến. Ý kiến góp ý gửi trực tiếp đến Sở Tài nguyên & Môi trường theo địa chỉ: số 15 Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết; trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ website: luatdatdai.monre.gov.vn hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên & Môi trường, phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, hình thức khác phù hợp quy định của pháp luật. Thời gian lấy ý kiến kết thúc vào ngày 15/3/2023.
Trong khuôn khổ này, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “UBND tỉnh giao Sở TN & MT chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Bộ TN & MT, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc về trách nhiệm của địa phương, theo yêu cầu của Bộ TN & MT, chỉ đạo của Chính phủ”.