Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh, bà Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, thị xã La Gi, cùng đông đảo người dân xã Tân Tiến.
Lễ hội Dinh Thầy Thím ra đời, tồn tại gắn liền với sự hình thành của thiết chế tín ngưỡng Dinh và Mộ Thầy Thím. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng 9 âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ theo tập tục truyền thống. Đây là không gian linh thiêng, trang trọng để người dân địa phương và du khách thập phương đến bái tế, tham quan, nghỉ dưỡng. Đan xen với phần lễ là phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian và hoạt động văn hóa - thể thao hấp dẫn.
Lễ hội Dinh Thầy Thím là lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn là di sản văn hóa chung của người dân nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa... nhưng đến nay lễ hội vẫn được gìn giữ, bảo tồn, duy trì đầy đủ cả về thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ, thành phần tham gia cúng lễ, trang phục của Ban Tế tự, đối tượng thờ cúng, lễ vật dâng cúng… cho đến nội dung bài xướng văn, văn tế, lời khấn trong từng nghi lễ đã tạo nên một không gian linh thiêng, huyền ảo, cùng với các trò chơi dân gian, hội thi, hội diễn hấp dẫn theo tập tục có từ lâu đời của cộng đồng người dân địa phương.
Tại lễ đón nhận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chúc mừng và chia vui với chính quyền và nhân dân thị xã La Gi đã có nhiều tâm huyết, công sức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Dinh Thầy Thím, để hôm nay vinh dự được Bộ VHTTDL ghi danh và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhằm bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị lễ hội là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và phục vụ phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian đến UBND thị xã La Gi chú trọng xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội chu đáo đảm bảo an toàn cho người dân cũng như du khách đến tham dự, duy trì tổ chức phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian phù hợp với điều kiện, đặc thù và truyền thống văn hóa của địa phương.
Đa dạng hóa và nâng tầm các hoạt động phần hội, thành phần tham gia không chỉ giới hạn trong phạm vi thị xã, mà cần mở rộng ra các huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng thời, quan tâm đến việc trao truyền, hướng dẫn cho thế hệ trẻ về tập tục, tín ngưỡng và cách thức thực hành các nghi lễ trong lễ hội.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường nối từ đường ĐT 709 ra vào Dinh, Mộ và các tuyến đường nối từ Dinh đến Mộ Thầy Thím; quy hoạch, bố trí bãi đỗ xe phù hợp tại Khu vực Dinh và Mộ, tổ chức phân luồng, phân tuyến tránh ùn tắc giao thông. Cùng với đó, có phương án bố trí, sắp xếp lại các quầy hàng trong khu vực Dinh và Mộ Thầy Thím một cách hợp lý. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về giá trị, ý nghĩa và nét đặc sắc của Lễ hội Dinh Thầy Thím. Sớm xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội phục vụ phát triển du lịch theo quy định của Bộ VHTTDL.