Theo dõi trên

Lễ hội Katê năm 2018: Tiếp tục quảng bá văn hóa Chăm ở Bình Thuận

21/08/2018, 10:28

BT- Năm nay, Lễ hội Katê dân tộc Chăm ở Bình Thuận sẽ chính thức diễn ra từ ngày 7 - 9/10/2018 tại Di tích tháp Pô Sah Inư (TP. Phan Thiết) với yêu cầu tổ chức theo đúng phong tục tập quán truyền thống của người Chăm địa phương. Các hoạt động giữa phần lễ và phần hội cũng phải có sự gắn kết hài hòa, khép kín tạo nên không khí vừa trang nghiêm vừa vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, Lễ hội Katê năm 2018 diễn ra tại Di tích tháp Pô Sah Inư bao gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ được xem là nội dung chính yếu, cốt lõi của lễ hội. Thế nên phần lễ sẽ do các chức sắc tôn giáo người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành, thực hiện theo đúng nghi thức tôn giáo, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc. Trong khi đó, phần hội gồm những trò chơi dân gian, hội thi, hội diễn giới thiệu về các nghề thủ công truyền thống, trình diễn nghệ thuật dân gian Chăm để tạo không khí phấn khởi, vui tươi và đoàn kết… Chính vì vậy, đây còn là sự kiện để địa phương tiếp tục quảng bá, giới thiệu và khai thác vốn văn hóa cũng như các lễ nghi, lễ hội, nghệ thuật truyền thống quý giá của dân tộc Chăm ở Bình Thuận nói chung và Lễ hội Katê nói riêng đến với nhân dân và du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Dự kiến các hoạt động văn hóa tại Lễ hội Katê năm nay có khá nhiều nội dung phong phú với sự tham gia của đông đảo bà con người Chăm đến từ các huyện Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh. Theo đó, ngày đầu của lễ hội (7/10) là nghi lễ Tống ôn do các chức sắc người Chăm Bàlamôn huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện, còn hai ngày sau tiếp tục diễn ra một số nội dung của phần lễ và phần hội đan xen. Đến Di tích tháp Pô Sah Inư trong thời gian này, người dân cùng du khách sẽ có cơ hội thưởng thức, tìm hiểu hội thi nắn bánh gừng, trưng bày - trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư, thi thổi kèn Saranai dài hơi… do các nghệ nhân người Chăm tham dự.

Nhân dịp Lễ hội Katê năm 2018, Ban tổ chức cũng tạo điều kiện cho bà con người Chăm các địa phương trong tỉnh có cơ hội được giao lưu, học hỏi và xây dựng mối đoàn kết thông qua chương trình giao lưu văn nghệ. Đồng thời tổ chức  những trò chơi dân gian cho bà con người Chăm như thi “giã gạo”, “nặn gốm”, “đội nước vượt chướng ngại vật”, còn đối với du khách thì tham gia “mang quà về nhà”, “tìm chanh”… Hướng đến thành công cho lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã đề nghị UBND các huyện tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí, phương tiện để đồng bào người Chăm địa phương được tham gia vào các hoạt động cả phần lễ và phần hội. Đối với các đơn vị trực thuộc là Ban Quản lý Di tích tháp Pô Sah Inư, Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh, Trung tâm Huấn luyện & Thi đấu TDTT tỉnh và các phòng chức năng của sở đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Riêng Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bình Thuận sẽ tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, tuyên truyền chương trình Lễ hội Katê nhằm giới thiệu đến du khách và nhân dân biết để cùng tham gia.

Q.TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ hội Katê năm 2018: Tiếp tục quảng bá văn hóa Chăm ở Bình Thuận