Vừa qua, tôi ngồi xem một số buổi truyền hình trực tiếp về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chất vấn và trả lời chất vấn. Diễn biến buổi họp hấp dẫn lôi cuốn người xem. Trong phiên chất vấn một đại biểu hỏi về việc tăng lương cho giáo viên vào tháng 7 năm 2024, càng làm tôi chú ý để theo dõi nghe trả lời và gợi tôi nhớ một chuyện trước đây về lương bổng không biết vui hay buồn.

Cách đây cũng trên 10 năm, khi tôi chưa về hưu, có một lần ông bí thư tỉnh ủy đến giao lưu trên tinh thần dân chủ, cởi mở để lắng nghe tìm hiểu tâm tư, tình cảm, chia sẻ cùng cán bộ, nhân viên của cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo. Dĩ nhiên những lần gặp gỡ với người có vị trí cao nhất tỉnh như thế anh em ai cũng muốn có những vấn đề cần trao đổi để bí thư biết và có biện pháp nào giải quyết nhằm đáp ứng được tâm tư nguyện vọng hay không. Hôm đó tôi có phát biểu về tiền lương của anh em chuyên viên làm công tác chuyên môn của cơ quan sở.

nguyenthituyetnga-16993366241791550348989-0-0-969-1551-crop-1699336718019440857308.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình chất vấn về cải cách tiền lương nhà giáo...

Tôi nêu vấn đề rằng, sở điều những giáo viên ở các trường về làm công tác chuyên môn là những người có năng lực vững vàng về nghiệp vụ sư phạm, trình độ giảng dạy thuộc loại giỏi, khi về sở mới có đủ năng lực, uy tín với đội ngũ giáo viên toàn tỉnh để chỉ đạo, triển khai kế hoạch, hướng dẫn thực hiện nội dung, phương pháp dạy và học của bộ môn mình phụ trách. Nhưng có một điều là khi về sở, lương của họ bị cắt giảm xuống, hưởng mức lương hành chính sự nghiệp, họ không còn được hưởng lương của giáo viên khi ở trường. Tiền lương phụ cấp cắt, khi đó có tiền thâm niên nghề nghiệp cũng cắt. Trong khi họ là giáo viên dạy giỏi, nếu ở trường còn có điều kiện dạy thêm để thu nhập – tôi nói dạy thêm trong điều kiện cho phép, không vi phạm quy chế chuyên môn, để được nhận thù lao một cách chính đáng với công sức giảng dạy đã bỏ ra nhằm giúp cho học sinh được nâng cao kiến thức thực sự. Khi về sở, làm công tác không chỉ riêng chuyên môn bộ môn mình phụ trách như toán, vật lý, ngoại ngữ… mà còn phải gánh thêm nhiều đầu việc khác như: an toàn giao thông, bạo lực học đường, y tế trường học, vệ sinh môi trường, tiết kiệm năng lượng, phòng chống tham nhũng, tâm lý học đường, học sinh khuyết tật, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Đầu việc nào cũng phải đi tập huấn ở bộ, rồi về tổ chức triển khai, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết… Phải nói rằng công việc khi về sở nặng gấp nhiều lần cả về trách nhiệm và thời gian so với khi ở trường, thế mà họ chỉ nhận đồng lương chay. Như thế cho nên nhiều anh em muốn xin về lại trường để đứng lớp. Còn bây giờ mà điều một giáo viên dạy giỏi về làm công tác chuyên môn ở sở cũng rất khó, họ luôn tìm mọi cách để từ chối.

Tôi nói như vậy là trong thời gian ở trường và hoàn cảnh nếu cả vợ chồng đều là giáo viên có thêm hai đứa con nữa dẫu được nhận phụ cấp và thâm niên nghề nghiệp thì cũng hết sức khó khăn nếu không tìm cách xoay xở thêm.

Chuyện như vậy, không ngờ thứ 2 tuần sau, khi họp giao ban đầu tuần, ông giám đốc sở trao đổi một số việc rồi nói, hôm đồng chí bí thư về gặp mặt trao đổi với anh em cơ quan sở, anh T phát biểu với đồng chí bí thư như vậy có cái hay mà cũng có cái dở, nhưng không nói hay dở như thế nào. Tôi định đứng lên hỏi giám đốc cho biết dở ở chỗ nào. Nhưng cô bạn ngồi bên cạnh can, bảo tôi không cần nói gì thêm. Tôi nghe lời và im lặng. Nhưng đến bây giờ tôi cũng chưa biết nói như thế tại sao “cũng có cái dở”.

Trong tình hình giáo viên với đồng lương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. (https://thanhnien.vn). Nhiều giáo viên còn đang giảng dạy đa số thấy khó khăn nhưng nếu nghỉ việc thì họ chưa biết tìm việc gì khác để làm, hoặc những gia đình chỉ một người trong nghề giáo còn một người làm nghề khác có thu nhập cao hơn. Phần đông giáo viên tìm cách bán hàng, môi giới… Trong tình hình như vậy, khi theo dõi phiên chất vấn của Quốc hội, thấy bà Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời trên diễn đàn trả lời chất vấn rằng tháng 7/2024 tăng lương cho giáo viên là chắc chắn, hệ số lương giáo viên sẽ là thang lương cao nhất trong khung lương hành chính sự nghiệp, tăng lương cho cả nhân viên trường học nữa. Nghe vậy, dẫu bây giờ đã nghỉ hưu hơn 7 năm rồi, tôi vẫn thấy một niềm vui tràn ngập tâm hồn. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy đại biểu nào đặt vấn đề về lương với những chuyên viên làm công tác chuyên môn ở Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục – Đào tạo.

Còn 3 ngày nữa đến ngày 20/11, xin chúc vui cùng thầy cô giáo về Ngày Nhà giáo Việt Nam và chúc mừng 8 tháng nữa thầy cô sẽ nhận được lương mới, nhưng cũng ngậm ngùi chia sẻ cùng quý thầy cô làm công tác chuyên môn ở Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục – Đào tạo.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập huấn nghiệp vụ Công đoàn cho hơn 100 cán bộ công đoàn ngành Giáo dục
Ngày 14/11, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ Công đoàn năm 2023 cho hơn 100 cán bộ Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục.
Nổi bật
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lên lương