Theo dõi trên

Liên hoan “tình khúc bolero” Bình Thuận lần thứ I - năm 2018: Nhìn từ góc độ thành viên Ban giám khảo

23/02/2018, 09:34

BT- Những năm gần đây, dòng nhạc Bolero được chào đón trở lại thông qua nhiều “sân chơi văn hóa” được tổ chức trên nhiều tỉnh, thành cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu ca hát của một bộ phận công chúng. Như chúng ta đã biết, Bolero là điệu nhảy có từ thế kỷ XVIII của Tây Ban Nha, du nhập vào miền Nam vào khoảng thập niên 1950 thế kỷ trước, trở thành điệu nhạc Bolero rồi nhanh chóng trở thành dòng nhạc khi các nhạc sĩ lần lượt cho ra đời nhiều ca khúc viết theo thể điệu Bolero, mang đậm phong cách Việt Nam. Chính vì đặc điểm này nên có người nói Bolero hiện nay đã được “Việt hóa” so với nguồn gốc xuất phát, bởi vì tiết tấu âm nhạc chậm rãi, trang trải, giàu chất tự sự; khúc thức âm nhạc không cầu kỳ, phức tạp. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và các nhạc sĩ chuyên viết về thể điệu Bolero, thì thời kỳ hoàng kim, nở rộ của dòng nhạc này có thể tính từ những năm 1960 đến những năm 1970.

                
Thí sinh đêm chung kết xếp hạng. Ảnh: Đ.Q.V

Trong số hàng ngàn ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho phép phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, có không ít những tác phẩm được viết theo thể điệu Bolero, với nội dung ca ngợi quê hương, tình tự dân tộc, tình cảm lứa đôi với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đây là những ca khúc đã đi vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ yêu thích ca nhạc, với giai điệu mang âm hưởng dân ca Nam bộ gần gũi, quen thuộc, dễ hát; ca từ có khi chắt lọc, trau chuốt, có khi giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc. Hàng loạt ca khúc của các nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương, Anh Bằng, Hoàng Thi Thơ, Anh Việt Thu, Nhật Ngân, Trần Thiện Thanh, Hoài Linh, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Lê Dinh, Trầm Tử Thiêng, Hoàng Trang, Đài Phương Trang, Thanh Sơn, Giao Tiên, Ngân Giang, Huỳnh Anh, Tú Nhi (Chế Linh), Mạnh Phát, Duy Khánh, Hoài An…đã xuất hiện khá dày trên sân khấu thông qua các chương trình: Solo cùng Bolero, Thần tượng Bolero, Kịch cùng Bolero được phát đi phát lại trên sóng Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3).

Xuất phát từ nhu cầu của đại đa số công chúng yêu thích dòng nhạc Bolero, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Liên hoan “Tình khúc Bolero” tỉnh Bình Thuận lần thứ I - năm 2018 để mở ra một sân chơi văn hóa nhằm góp phần định hướng một cách đúng đắn về dòng nhạc Bolero đã được sàng lọc qua thời gian và đáp ứng thị hiếu lành mạnh, chính đáng của công chúng. Để bảo đảm tính khách quan của liên hoan, thí sinh dự thi được chia làm 2 bảng: Bảng A có độ tuổi từ 18 - 35; bảng B có độ tuổi từ 36 - 60. Thông qua vòng sơ khảo, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã chọn ra 80 thí sinh trong tổng số hơn 120 thí sinh đăng ký dự thi để đưa vào vòng loại tổ chức tranh tài trong 4 đêm (từ ngày 16/1 đến ngày 19/1/2018) tại sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Vòng chung kết và trao giải đã diễn ra vào đêm 17/2/2018 (nhằm ngày mùng 2 Tết Mậu Tuất). Từ kết quả cuộc thi, dưới góc độ là thành viên Ban giám khảo xuyên suốt các vòng thi, tôi xin rút ra một số ghi nhận bước đầu dưới đây:

- 18 thí sinh (10 thí sinh bảng A; 8 thí sinh bảng B) được vào vòng chung kết xếp hạng đều rất xứng đáng, vì đã tỏ rõ nội lực và tất cả đều đã trải qua 3 vòng thi: sơ khảo, vòng loại, vòng chung kết 1.

- Sự thể hiện của các thí sinh ở bảng A, có phần trội hơn so với bảng B, với ưu thế về ngoại hình và chất giọng trong sáng, giàu cung bậc cảm xúc. Cách xử lý khá tinh tế trong sự phân câu, giữ hơi, ngắt nhịp làm toát lên “nét riêng”, không lẫn vào đâu được của dòng nhạc Bolero. Cùng một bài hát nhưng mỗi thí sinh đều có cách xử lý riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng trong phong cách biểu diễn. Nổi trội ở bảng A, đồng thời là các thí sinh chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng, bao gồm: Trương Như Ý (giải nhất), Giang Thị Xuân Hương, Huỳnh Văn Sang (đồng giải nhì), Trương Thị Thu Thủy, Trần Thị Diễm Trúc, Hoàng Thị Bông (đồng giải ba).

- Nội dung của đa số bài hát được thí sinh lựa chọn không quá bi lụy, tuy vẫn đậm chất hoài niệm, tự sự - vốn dĩ là thuộc tính của dòng nhạc Bolero. Điều này, cho thấy mỗi lứa tuổi sẽ có cách cảm thụ và xứ lý bài hát khác nhau.

- Về phong cách trình bày cũng vậy, nếu thí sinh bảng A không quá câu nệ vào nội dung của từng câu hát thì ở bảng B, các thí sinh thường khai thác sự trải nghiệm, chất tự sự của từng cá nhân để tạo nên sự lắng đọng trong diễn xuất. Nổi trội ở bảng B, đồng thời là các thí sinh chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng, bao gồm: Đinh Thị Lan (giải nhất), Phù Sanh Thịnh (giải nhì), Phạm Thị Bích Huyền, Nguyễn Thị Bích Liên (đồng giải ba).

- Cuối cùng là vấn đề người xem, hầu như đêm thi nào cũng thu hút một lượng lớn khán giả đến xem và cổ vũ mà đỉnh điểm là đêm chung kết xếp hạng, với hàng ngàn người xem. Đó là chưa kể hàng vạn lượt khán giả thưởng thức qua hình thức like stream trên mạng internet ở mỗi vòng thi.

Trên đây là những ghi nhận bước đầu, là tín hiệu vui về sự trở lại của một dòng nhạc mang tính đại chúng đã tồn tại ở miền Nam trong vòng nửa thế kỷ qua và đang tiếp tục lan tỏa trên phạm vi cả nước - dòng nhạc Bolero.

ĐỖ QUANG VINH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên hoan “tình khúc bolero” Bình Thuận lần thứ I - năm 2018: Nhìn từ góc độ thành viên Ban giám khảo