BT- Nhiệt huyết, sáng tạo, học mà chơi nhưng cũng rất dễ thương là cách mà lớp học Hoa phượng đỏ “kéo” em nhỏ háo hức học hè. Nhưng ở lớp học đặc biệt này điều khiến chúng tôi ấm lòng hơn cả là tình yêu thương dành cho trẻ em nghèo của người “thủ lĩnh áo xanh” thầy Hà Ngọc Thắng – Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và 20 học trò đứng lớp như hòa chung một nhịp…
Bạn Lê Phương Trân và cô học trò nhỏ nhất lớp. |
Sân chơi cho trẻ
Sau nhiều băn khoăn làm sao tạo sân chơi cho trẻ ấp ủ từ lâu trong suy nghĩ của của người “thủ lĩnh áo xanh”. Và mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên lớp học Hoa phương đỏ “ra lò” phần nào đáp ứng những mong mỏi đó. “Thôn Cầu Vượt là địa bàn khó khăn nhất xã Sông Bình, mình lo tụi nhỏ cha mẹ bận đi làm, trẻ ở nhà chơi game, ra sông suối nguy hiểm lắm. Lớp học như sân chơi cho các bé vừa ôn lại kiến thức vừa được chơi trò chơi…”, thầy Thắng giải thích. Về công tác tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai được 2 năm, năm 2014 anh đảm nhận công tác Đoàn. Là đảng viên trẻ anh luôn xông xáo, có nhiều cách làm sáng tạo để các em học sinh tham gia. Nhiều năm liền anh cùng Đoàn trường tổ chức các hoạt động dành cho trẻ em: “Áo ấm yêu thương”, “Vỏ lon vì bạn”, “Trường lớn giúp trường nhỏ” vận động tiền để giúp các em học sinh nghèo Trường THCS Hồng Phong, tiểu học Sông Lũy III. Tiếp nối các hoạt động trên, lớp học Hoa phượng đỏ đã tạo được thành công lớn bởi học sinh tham gia nhiệt tình.
Nhớ lại ngày đầu mở lớp học, thầy Thắng và các học trò của mình gặp không ít khó khăn trong thuyết phục phụ huynh cho con em ra lớp, bố trí lớp học để 6 nhóm tuổi khác nhau nhưng vẫn có thể ngồi chung một phòng. Để có học sinh ra lớp phải nhờ đến sự vận động của chi bộ thôn Cầu Vượt. Các giáo viên phụ trách và học sinh phân công nhau đến tận nhà thông báo. Vất vả là vậy, nhưng khi đón nhận lời cảm ơn của phụ huynh, thầy trò lại có thêm động lực. Bởi vậy mà buổi học đầu tiên khi phụ huynh đưa con đến lớp họ không vội về mà nán lại ở cửa nhìn con vui chơi cùng các anh chị. Tiếng hát ca, những cánh tay vỗ kết vòng tròn đã mang đến làng quê nghèo một mùa hè khác sống động, rộn ràng hơn. “Mình thương học sinh đến lớp học bởi đoạn đường khá xa đi về hơn 15 cây số, nhưng mình tin các em quyết tâm bám lớp”, Thầy Thắng cho biết.
“Giáo viên” áo xanh
Trong giờ học, chiếc bàn học đối diện cửa ra vào, nơi có cháu bé nhỏ nhất lớp đang chăm chú vào vở làm, chúng tôi tò mò thấy “cô giáo” Lê Phương Trân nhỏ nhắn ngồi bên vừa dỗ dành vừa cầm tay bé hướng dẫn từng nét chữ. Một vài cái bánh, cây kẹo mút để gần tập vở là tuyệt chiêu để Trân rèn chữ cho học trò lớp lá này. Trân hoạt bát nói: “Bé ở gần nhà nên em phụ trách chở đi, chở về. Đây là mùa hè thứ hai bé theo lớp học này”. Tập vở dày 100 trang đã viết hết 2/3 cuốn là kết quả của hai chị em từ đầu hè đến giờ. “Em viết xong rồi. Chị xem em có giỏi không?”, giọng thỏ thẻ của bé cất lên, Trân cười hiểu ý và bóc kẹo thưởng cho bé. Trân đặt mục tiêu: “Kết thúc khóa hè em phải giúp bé biết đọc, viết một số chữ cái khó và thuộc thêm bài hát”.
Ở lớp học “Hoa phượng đỏ” được các bạn chia thành từng nhóm phụ trách. Các em lớp 5, 6 thì được chia ra 2 nhóm dạy toán, dạy văn để hỗ trợ lẫn nhau giải các bài khó. Gan lỳ và nhiều mẹo là “giáo viên” áo xanh Đinh Thị Hoài Diệu. Diệu ước mơ sau này sẽ được làm giáo viên nên em hăng say đứng lớp tập làm cô giáo. Diệu cùng 4 bạn nữa đảm nhận dạy 10 em học lớp 3. Có lẽ “say” nghề giáo nên trong nhóm ai cũng phục Diệu có nhiều “tài lẻ” thuyết phục những bé bướng bỉnh nhất. Như mới đây bé lớp 3 khóc nhè không chịu học, vậy mà Diệu “ra tay”, bé đã ngoan ngoãn, chăm học rõ. Diệu còn chịu thử thách để các bé búng, nhéo tai, làm trò cười rả rích trong buổi học, cũng như thường xuyên dạy các em bài học về lòng biết ơn, bảo vệ đáp án đúng…
Lớp học đặc biệt tại Nhà văn hóa thôn Cầu Vượt vẫn đang tiếp diễn vào các sáng thứ hai, tư, sáu hàng tuần như sân chơi bổ ích cho trẻ em thôn Cầu Vượt. Đây là cách làm hay cần nhân rộng ở các địa phương để trẻ em nông thôn có mùa hè ý nghĩa, góp phần hạn chế tai nạn đáng tiếc trong mùa hè như đuối nước. Chia tay lớp học, tiếng giảng bài của những “giáo viên” áo xanh vang lên hòa tiếng ê a của đám học trò cứ xôn xao giữa những ngày hè phượng đỏ rợp trời.
“Ban chấp hành Đoàn trường chịu trách nhiệm hỗ trợ các em phần kỹ năng quản trò cũng như phương pháp đứng lớp, sinh hoạt, thời gian lên lớp. Học sinh vui khi tập làm giáo viên, trải nghiệm cách tổ chức các hoạt động…” - thầy Thắng nói. |
Thanh Duyên – Thùy Linh