Theo dõi trên

Lừa đảo trên không gian mạng: Thủ đoạn tinh vi, thay đổi từng ngày

31/07/2024, 05:05

Không gian ảo là môi trường thuận lợi để các đối tượng hoạt động và xóa dấu vết một cách nhanh chóng. Do đó phòng chống tội phạm công nghệ cao không chỉ là cuộc chiến của lực lượng chức năng mà giờ đây nó là cuộc chiến chung của toàn xã hội.

Kịch bản lừa đảo hoàn hảo

Tại tỉnh ta, qua công tác điều tra tội phạm những năm qua cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt là tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc và thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.

1062a6eb1fe3bdbde4f2.jpg

Tội phạm trên không gian thường hoạt động có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ chặt chẽ giữa các đồng phạm theo từng khâu, nhiệm vụ cụ thể. Các đối tượng đã xây dựng những kịch bản lừa đảo “như thật”, thao túng tâm lý các nạn nhân khiến họ tưởng như đang làm việc với “Ban chuyên án”. Vào lúc 11 giờ 22 phút ngày 24/11/2023, vợ chồng ông NVC (là cán bộ hưu trí, trú phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) nhận cuộc điện thoại, người gọi tự xưng là thượng úy Phạm Văn Thành - cán bộ Công an TP. Phan Thiết hỏi về việc tích hợp căn cước công dân. Sau đó, đối tượng cho biết có người đã mạo danh vợ chồng ông C để vay số tiền hơn 45 triệu đồng ở một ngân hàng trên địa bàn TP. Hà Nội. Sau đó, Thành nối máy với một người tự xưng tên Nguyễn Thanh Tùng, cấp bậc đại úy, là cán bộ Cục phòng chống tội phạm qua internet. Do tin tưởng ông bà đã trình bày hết mọi câu hỏi và thông tin, mong muốn Tùng điều tra làm rõ ai đã mạo danh vay tiền để giải oan. Thấy nạn nhân đã “sập bẫy”, các đối tượng đưa ra “Lệnh bắt tạm giam” ông bà C về tội cấu kết với bọn buôn lậu ma túy và rửa tiền. Do quá hoảng loạn, sợ bị bắt và mong muốn được giải oan, ông bà đã thực hiện theo yêu cầu của bọn chúng và toàn bộ số tiền hơn 3,2 tỷ đồng gửi trong các tài khoản ngân hàng của ông bà đều bị các đối tượng rút hết. Cũng với phương thức này, gần đây tội phạm trên không gian mạng đã thực hiện 4 vụ lừa đảo nhưng rất may đã được lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn.

41934d3bf3dd56830fcc.jpg
Trao bằng khen của UBND tỉnh cho nhân viên ngân hàng có thành tích trong ngăn chặn các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Không làm theo hướng dẫn của người lạ qua điện thoại

Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy: Hoạt động của các đối tượng tội phạm rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng rồi lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí là cả trẻ em.

Cách thức thực hiện của các đối tượng là sử dụng thông tin cá nhân của bị hại như số điện thoại, số CCCD, tên tuổi, địa chỉ thường trú mà chúng mua được để điện thoại cho bị hại. Các đối tượng thực hiện phương thức, thủ đoạn theo kịch bản có sẵn, với sự tham gia của nhiều đối tượng, phân vai cụ thể, rõ ràng, đưa ra thủ đoạn gian dối nhằm thao túng tâm lý nạn nhân, đưa nạn nhân vào tình trạng hoảng loạn, lo sợ, mong muốn được minh oan và thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của bọn chúng.

Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm trên không gian mạng không chỉ tinh vi mà thay đổi từng ngày. Gần đây nhất khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng quy định người dân phải cập nhật sinh trắc học khi thực hiện chuyển số tiền từ 10 triệu đồng trở lên, các đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin kết bạn với người dân qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để “hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học”. Bằng cách đề nghị người dân cung cấp thông tin cá nhân để được hỗ trợ, các đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

Theo Công an tỉnh, tình hình tội phạm trên không gian mạng đang diễn ra phổ biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã đưa vào xác minh 6 tin báo tố giác tội phạm, khởi tố 1 vụ án hình sự. Phối hợp với Công an các tỉnh xác minh 7 đối tượng trên địa bàn tỉnh nghi vấn liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để hạn chế việc lừa đảo trên không gian mạng, theo các ngành chức năng người dân cần thường xuyên theo dõi cảnh báo tội phạm trên các phương tiện truyền thông để biết được các thủ đoạn mới của tội phạm trên không gian mạng.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhận diện phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua hệ thống ngân hàng
BTO-Chiều 24/6, Công an tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận tổ chức Hội nghị nhận diện phương thức thủ đoạn và bàn giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng. Tham dự hội nghị có lực lượng công an các cấp và nhân viên các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lừa đảo trên không gian mạng: Thủ đoạn tinh vi, thay đổi từng ngày