Theo dõi trên

Lưu Yến Phi - "hộ sinh" rùa biển

16/09/2022, 05:39

Lưu Yến Phi (sinh năm 1988, huyện Tuy Phong) không thể nhớ hết đã có bao nhiêu đêm cô thức trắng trên đảo vắng để làm “bà mụ” cho rùa biển. Tình yêu đối với rùa biển - một loài động vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam đã khiến cho Yến Phi dành cả tuổi thanh xuân để gắn bó với công việc bảo tồn rùa.

Hồi hộp đỡ đẻ cho rùa

Những ngày đầu tháng 9, Cù Lao vẫn hoang sơ, vẫn quyến rũ nhưng đang thực hiện sứ mệnh là 1 trong 16 khu bảo tồn biển cấp quốc gia có diện tích 140 ha. Cách đất liền Tuy Phong khoảng 10 km, hệ sinh thái Hòn Cau đa dạng gồm rạn san hô, thảm cỏ biển… là nơi sinh sống và bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm mang giá trị kinh tế của quốc gia, trong đó có rùa biển - loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.

rua-bien.jpg
Lưu Yến Phi đã đỡ đẻ cho hàng ngàn rùa biển ở đảo Hòn Cau.

Trong một chuyến công tác, chúng tôi đã gặp Yến Phi trên hòn đảo này. Dáng đậm người, nước da bánh mật, giọng nói sang sảng đã để lại nhiều ấn tượng. Lân la làm quen, chúng tôi được biết, Yến Phi là cô gái có một tình yêu mãnh liệt dành cho rùa biển.

Năm 2010, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã đồng ý cho tỉnh Bình Thuận thành lập “Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Ban chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2011, khi ấy Lưu Yến Phi là 1 trong 4 nhân viên đầu tiên tiếp nhận nhiệm vụ của Đội Tuần tra kiểm soát trên đảo. Hiểu được tầm quan trọng nơi mình công tác nên trong mỗi việc Phi luôn chủ động, hài hòa. Không nũng nịu vì mình là nữ duy nhất, Phi luôn lặng lẽ tỉ mỉ chăm sóc cả đội bằng những bữa ăn đôi khi thiếu thốn khi mùa gió bão về, hay chủ động chia sẻ động viên anh em trong những buổi chiều cùng nhau ngắm nhà từ đảo xa. Yến Phi cho biết, công việc này là nghề chọn người, thế nhưng hơn hết đó chính là tình yêu của cô dành cho biển, cho rùa biển. Bởi trên thực tế, nghề này đối với nam giới đã rất khó khăn, trong khi đó việc thường xuyên di chuyển từ đảo vào đất liền và từ đất liền ra đảo, cộng với cái nắng, cái gió, rồi đêm hôm. “Không yêu rùa, yêu biển thì làm sao tôi có thể gắn bó được với công việc này trong vòng 10 năm qua”, Yến Phi cười tươi và nói.

Phi kể, hằng năm cứ từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, rùa biển sẽ về đảo sinh sản. Đây cũng là khoảng thời gian Phi có mặt trên hòn đảo này nhiều nhất. Bởi phải túc trực để canh rùa đẻ trứng. Theo đó, trong khoảng thời gian này, mỗi ca trực của Phi sẽ bắt đầu từ 21 giờ hôm trước đến rạng sáng hôm sau. Hành trang chỉ là chiếc đèn pin, túi ngủ và một số vật dụng cần thiết khác. “Công việc chủ yếu là đi tuần tra dọc bờ biển, ngõ ngách trên đảo để theo dõi rùa làm tổ đẻ trứng. Có những con dễ tính thì sau khi lên bờ một thời gian ngắn là chúng làm tổ rồi đẻ ngay. Nhưng cũng có nhiều con cứ làm hết tổ này đến tổ khác, ngụy trang đủ kiểu có khi mất 3 - 4 đêm mới chịu “lâm bồn””, Yến Phi chia sẻ.

Cũng chính vì như thế, nên đã có không ít đêm, Phi thức trắng để canh. Khi phát hiện ra tổ đẻ của rùa, Phi đã không dám thở mạnh. “Hồi hộp, nén thở theo dõi khoảnh khắc kỳ diệu của tạo hóa rồi vỡ òa hạnh phúc khi thấy rùa mẹ hoàn thành thiên chức, quay về biển. Sau đó, tôi cùng các đồng nghiệp của mình lại hì hục đánh dấu bảo vệ ổ trứng cho nở tự nhiên hoặc mang ổ về khu ấp nở nhân tạo. Đấy là cả một quá trình “hộ sinh” thường kéo dài từ 45 - 60 ngày đến lúc trứng nở thành rùa con”, Phi cho biết.

Gắn bó vì tình yêu rùa biển

Vì yêu rùa, yêu biển nên cho dù năm 2017, Yến Phi đã được cơ quan phân giao là Trưởng phòng tổ chức hành chính tổng hợp, bố trí làm việc tại trụ sở ở đất liền thế nhưng hễ có đoàn công tác, các đội tình nguyện viên tham gia chương trình bảo vệ rùa biển hoặc nghe anh em trong đội ốm đau, gia đình có việc đột xuất là Phi lại nhanh như cắt vác ba lô đến đảo hỗ trợ mọi người. Anh Nguyễn Trọng Bằng, đội tuần tra kiểm soát Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết: “Có lẽ Phi đã hy sinh hết tuổi trẻ ở ngoài hòn đảo này, năm nay cũng ba mươi mấy tuổi rồi, anh em cũng tâm sự tại sao không lập gia đình, Phi nói đã dành hết tâm huyết cho rùa biển và cảnh quan ngoài này thành ra Phi cũng quen và gia đình đã thông cảm cho lựa chọn của Phi. Chính vì điều đó, chúng tôi ai nấy cũng đều rất là thương mến Phi”.

Từ khi ra đời đến nay, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã góp phần rất lớn trong nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương và hàng nghìn tình nguyện viên, du khách đến với đảo về ý nghĩa của công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển thông qua các hoạt động tuyên truyền, cứu hộ rùa… thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của đội tuần tra kiểm soát và cá nhân Yến Phi. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, du khách Vũng Tàu chia sẻ: “Chương trình bảo tồn rùa biển ở Hòn Cau là một chương trình rất ý nghĩa trong công tác bảo tồn động vật biển. Cái mà tôi học được khi đến đây, đó là những kiến thức về rùa... tôi hy vọng là chúng ta hãy cùng nhau góp một phần sức của mình bảo vệ môi trường trước tiên là giảm thiểu rác thải nhựa cũng là một cách để bảo vệ biển, bảo vệ rùa”.

Kết quả phản ánh rõ nét về thành công bước đầu của công tác bảo tồn là trung bình mỗi năm số lượng cá thể rùa lên các bãi biển quanh Hòn Cau sinh sản tăng đều bởi rùa biển sẽ quay về nơi nó được sinh ra để sinh sản khi hệ sinh thái ở đó đủ an toàn. Từ đôi bàn tay dịu dàng, cần mẫn của “nữ hộ sinh rùa” và cái duyên đã bén, cái tâm đã gắn với tình yêu biển đảo, yêu con rùa biển. Những năm qua, hàng nghìn cá thể rùa con đã được Phi cùng đội bảo vệ ấp nở thành công trao về với tự nhiên; cùng với đó nhiều cá thể rùa vô tình vướng vào lưới của ngư dân hoặc một số chú vích quý hiếm được những người có tâm với công tác bảo tồn sinh vật biển chủ động mua lại trong dân, liên hệ với Ban quản lý cùng nhau thả về với biển.

“Sinh ra để được sống hoang dã” Phi yêu câu slogan của dự án UNDP - dự án bảo tồn rùa biển Hòn Cau như yêu chính công việc “hộ sinh rùa” và cuộc sống mà mình đã chọn. Dường như mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh trong cuộc đời ,“hoa khôi lao câu” với làn da bánh mật cùng nụ cười tỏa nắng cứ mộc mạc, bình dị như bông hoa muống biển lặng thầm lan tỏa, dù bờ cát cháy, sóng biển ồn ào vẫn cứ xanh tươi lặng lẽ “làm đẹp” biển quê hương.

BẢO NGỌC - HẢI THẠCH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cải cách hành chính: Hướng đến sự hài lòng của người dân
Trong những năm qua, các chỉ số và thứ hạng cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh thuộc nhóm thấp, có chỉ số có năm đứng thứ 63/63 tỉnh, thành. Riêng chỉ số về quản trị và hành chính công (PAPI) mặc dù năm 2021 có cải thiện về điểm số và tăng 41 bậc so với năm 2020 nhưng một số nội dung chỉ số thành phần vẫn còn thấp cho thấy tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn nữa…
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lưu Yến Phi - "hộ sinh" rùa biển