Theo dõi trên

Cải cách hành chính: Hướng đến sự hài lòng của người dân

15/09/2022, 05:27

Trong những năm qua, các chỉ số và thứ hạng cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh thuộc nhóm thấp, có chỉ số có năm đứng thứ 63/63 tỉnh, thành. Riêng chỉ số về quản trị và hành chính công (PAPI) mặc dù năm 2021 có cải thiện về điểm số và tăng 41 bậc so với năm 2020 nhưng một số nội dung chỉ số thành phần vẫn còn thấp cho thấy tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn nữa…

Chỉ số CCHC cải thiện chậm

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện các nội dung trên các lĩnh vực CCHC; thủ tục hành chính được cập nhật, công bố, công khai; triển khai, nâng cấp các phần mềm điện tử trong quản lý điều hành; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, nửa đầu năm 2022, Sở Nội vụ đã kiểm tra đột xuất, làm việc với 26 đơn vị, địa phương về thực hiện CCHC. Qua kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai giải pháp cải thiện các chỉ số, đáp ứng các yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ người dân.

3.jpg
Cán bộ, công chức tại Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, một số nội dung CCHC cải thiện còn chậm, kết quả chưa bền vững, một số chỉ số và một số chỉ số thành phần vẫn còn thấp. Cụ thể, chỉ số về CCHC - PAR Index năm 2021 của Bình Thuận xếp thứ 56/63 tỉnh, thành (giảm 1 bậc so với năm 2020). Chỉ số chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 xếp thứ 61/63 tỉnh, thành (năm 2020 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành). Riêng chỉ số PAPI mặc dù có cải thiện về điểm số và tăng 41 bậc so với năm 2020, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành nhưng một số nội dung chỉ số thành phần vẫn còn thấp như: Chỉ số về “Thủ tục hành chính công” xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; chỉ số về “Quản trị môi trường” xếp thứ 35/63 tỉnh, thành… Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận lãnh đạo quản lý, nhất là vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai chưa trọng tâm, đúng mức và chưa đầy đủ, kịp thời các chỉ tiêu, nhiệm vụ giao cho cơ quan, đơn vị theo yêu cầu; kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều cách làm mới, giải pháp mang tính đột phá, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc của mỗi cá nhân và tại từng cơ quan, đơn vị...

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC năm 2022 và cải thiện các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2022 của tỉnh, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương cần phải xem nhiệm vụ cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh là trách nhiệm trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương trong việc xây dựng bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức. Bên cạnh đó, chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2022 của tỉnh phải được cải thiện tích cực về số điểm số và thứ bậc, việc cải thiện phải thực chất, thể hiện qua chất lượng phục vụ đối với người dân và sự hài lòng của người dân.

Để đạt được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021- 2025.

Về phía UBND tỉnh sẽ chủ trì kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trong năm 2022 toàn tỉnh có 100% dịch vụ đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình. Triển khai đa dạng hóa hình thức nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện (như qua điện thoại thông minh, máy tính bảng…). Đồng thời, triển khai khắc phục dứt điểm tồn tại, hạn chế trong đầu tư nâng cấp Bộ phận một cửa theo hướng hiện tại các địa phương trong năm 2022, đến năm 2023 hoàn thành đầu tư tại 100% Bộ phận một cửa theo đề án đã duyệt…

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trung tâm hành chính công: Điểm sáng trong cải cách hành chính
Điểm nổi bật nhất về cải cách hành chính trong 30 năm qua là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã đầu tư xây dựng Trung tâm Hành chính công. Thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải cách hành chính: Hướng đến sự hài lòng của người dân