Theo dõi trên

Lý do một số quốc gia giữ thái độ trung lập về xung đột Nga – Ukraine

26/06/2022, 14:43

Các quốc gia ở châu Á, châu Phi và Trung Đông đã từ chối cô lập Nga, liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, bất chấp những nỗ lực vận động hành lang của EU.

Phương Tây tăng sức ép cô lập Nga

Ngày 23/6, Liên minh châu Âu (EU) đã trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine, mở đường cho quá trình gia nhập khối của nước này. Theo Reuters, đây là một quyết định mà cả Ukraine và EU gọi là “thời khắc lịch sử”. Động thái này thể hiện sự đoàn kết giữa EU và Ukraine trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.

Bên cạnh đó, EU đã thực hiện một chiến dịch vận động hành lang toàn cầu để tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, các nhà lãnh đạo châu Âu khác. Các quan chức đã đến Nam Á, châu Phi, châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông.

ly.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Senegal Macky Sall tại Sochi hôm 3/6. Ảnh: Sputnik

Các thỏa thuận thương mại mới đã được ký kết đi kèm nhiều cam kết hỗ trợ nhân đạo cũng như tài chính nhằm giúp đỡ một số quốc gia ở những khu vực trên giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu (GLOBSEC) ở thủ đô Bratislava, Slovakia vào đầu tháng 6, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói châu Âu nên từ bỏ suy nghĩ rằng các vấn đề của họ cũng là vấn đề của thế giới.

“Giới học thuật đã nhiều lần hoài nghi về chủ nghĩa châu Âu nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên một nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Ấn Độ phản đối điều ngày ngay tại châu Âu”, Vivek Mishra, thành viên của Tổ chức Nghiên cứu Quan sát viên (ORF) ở New Delhi, cho biết.

Ông Mishra nói rằng bình luận của Ngoại trưởng Jaishankar “nhất quán với việc EU chuyển hướng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ xuyên Đại Tây Dương và nhấn mạnh ý tưởng rằng các vấn đề của châu Á cũng quan trọng như bất kỳ nơi nào trên thế giới”.

Hành động cân bằng của Ấn Độ nhằm xoa dịu cả Nga và phương Tây đã khiến EU “mất cảnh giác”, song tại một cuộc họp báo tại Ấn Độ vào tháng 4, bà von der Leyen đã cảnh báo sự nguy hiểm của cuộc chiến ở Ukraine.

“Kết quả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ không chỉ quyết định tương lai của châu Âu mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều quan trọng là các đường biên giới được tôn trọng. Chúng tôi muốn có một tầm nhìn tích cực cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng”, người đứng đầu Ủy ban châu Âu nhấn mạnh.

Giữ thái độ trung lập

EU đã thành lập một hội đồng thương mại và công nghệ chung với Ấn Độ nhằm mục đích tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược với nước này. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lập trường trung lập với Nga.

Liên minh châu Phi cũng không tham gia vào các nỗ lực vận động hành lang của EU nhằm cô lập Nga.

Lo ngại về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, tại cuộc họp gần đây với các nhà lãnh đạo EU, ông Macky Sall – Tổng thống Senegal và là chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU), nói rằng các lệnh trừng phạt của khối đối với Nga sẽ đe dọa việc nhập khẩu ngũ cốc và phân bón của châu Phi.

Người đứng đầu AU cũng đã gặp Tổng thống Putin vào đầu tháng 6 và hai bên nhất trí rằng các lệnh trừng phạt sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực.

“Tôi hiểu tâm lý của những khu vực này bởi khi các quốc gia ở châu Phi và châu Á xảy ra chiến tranh, châu Âu có thể chỉ đứng về một bên”, Jacob F Kirkegaard, thành viên cấp cao tại công ty tư vấn German Marshall Fund, nói.

“EU chắc chắn đã đánh giá thấp thực tế rằng sự phản đối của khối đối với cuộc chiến ở Ukraine không được phần còn lại của thế giới chia sẻ”, ông Kirkegaard nói thêm.

Harry Nedelcu, người đứng đầu bộ phận chính sách tại công ty tư vấn chiến lược quốc tế Rasmussen Global, cho rằng vấn đề cũng thuộc về Nga.

“Về cơ bản, Nga nói rằng khủng hoảng lương thực là lỗi của Ukraine. Nhưng trên thực tế, lương thực không hết vì Nga đang tấn công Ukraine. Nga đã triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine và chặn không cho ngũ cốc Ukraine tiếp cận với phần còn lại của thế giới”, chuyên gia Nedelcu nói.

EU nên làm gì tiếp theo?

Phát biểu tại Brussels hôm 20/6, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell đã thừa nhận những lo ngại của nhà lãnh đạo châu Phi. Song ông Borrell nhấn mạnh không nên đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của EU.

“Tôi đã gửi thư cho tất cả các bộ trưởng ngoại giao các nước châu Phi, giải thích cách các biện pháp trừng phạt của EU đang được điều chỉnh, cách hoạt động, ảnh hưởng đến ai, những gì có thể được cho phép theo lệnh trừng phạt”, quan chức EU nói.

Theo ông Borrell, EU đã cam kết 1,06 tỷ USD để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ở khu vực Sahel, 633 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp để tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực ở vùng đất Sừng châu Phi và 237 triệu USD để giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn ở Bắc Phi và Trung Đông.

“Đây là một phần của kế hoạch về giải quyết hậu quả địa chính trị của cuộc chiến ở Ukraine”, ông Borrell nói.

Theo chuyên gia Mishra, phương Tây có lẽ đã thành công hơn trong việc củng cố mạng lưới nội bộ hơn là mạng lưới liên khu vực với các nước khác trên thế giới.

“Khi chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn, hầu hết các quốc gia bên ngoài xuyên Đại Tây Dương đã quay trở lại quan điểm ‘tự lực cánh sinh’. Họ lựa chọn những vấn đề mà họ có thể giải quyết khi làm việc với phương Tây thay vì những vấn đề họ không có khả năng”, ông Mishra nói./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngoại trưởng Lavrov: Phương Tây khó cho phép Ukraine nối lại đàm phán với Nga
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Belarus ngày 23/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, các nước phương Tây rất khó cho phép Ukraine quay lại bàn đàm phán với Nga.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do một số quốc gia giữ thái độ trung lập về xung đột Nga – Ukraine