Từ bãi đá bằng phẳng ở lưng chừng đảo phải leo lên gần trăm bậc đá mới tới chân ngọn Hải Đăng. Điều kỳ lạ là hai bên bậc tam cấp bằng đá rộng chừng 2m là những cây hoa sứ trắng cổ thụ, gốc to, thân cây mập, xù xì với các nhánh vươn dài đan xen. Cây nào cũng chỉ cao chừng 4 đến 5m, tán lá tỏa rộng với những lớp lá khít nhau che im mặt đất, hoa sứ nở trắng tỏa mùi hương thơm nồng. Tôi đang say sưa ngắm nhìn “rừng sứ” cổ thụ bỗng ông bạn cùng đi chung với tôi xen vào: “Có lẽ trên đảo Kê Gà nhiều đá nên cây hoa sứ phát triển không đẹp như hoa sứ trồng trên đất vườn. Hàng trăm cây hoa sứ trắng trên đảo nhỏ này chịu nhiều “phong ba bão táp”, có năm phải hứng chịu nhiều trận bão khủng khiếp, nhưng cây không bật gốc, cành không gãy, lá không rụng… Phải chăng khí hậu khắc nghiệt trên đảo đá Kê Gà đã làm cho thân cây sần sùi, gốc rễ to bám chặt vào đất đá của đảo…”. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, một lão ngư ở thôn Kê Gà, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam) nhiều năm đưa khách qua tham quan đảo cho hay: “Trên đảo nhỏ này không chỉ có hoa sứ mà còn có cây dương cổ thụ, cây bụi chen giữa các hốc đá. Hai hàng cây hoa sứ trắng dọc lối đi lên ngọn Hải Đăng được trồng ngay sau khi công trình xây dựng Hải Đăng hoàn thành (năm 1897). Đến nay, hàng trăm cây hoa sứ vẫn còn nguyên và tỏa bóng mát, che nắng, che gió cho du khách lên thăm đảo…”.
Hoa sứ trắng thuộc loại cây gỗ trung bình có thân mập, cành khẳng khiu với các nhánh tỏa rộng. Thân cây màu xám trắng, một nhánh cây hoa sứ có lá mọc quây tròn gần giống như bông hoa; hoa sứ màu trắng có 5 cánh, hương thơm nồng. Nhờ có hoa đẹp và hương thơm tỏa rộng, rễ bám sâu, chắc nên được trồng khá phổ biến ở công viên, chùa chiền làm cảnh, trồng trên các đảo để che chắn gió mạnh… Có lẽ với đặc điểm khác biệt ấy mà người Pháp khi xây dựng ngọn Hải Đăng cách đây 126 năm đã hoạch định trồng hàng trăm cây dương, cây hoa sứ hai bên lối đi lên ngọn Hải Đăng - nơi cao nhất của đảo Kê Gà để che nắng, chắn gió mạnh cho lữ khách tham quan đảo nhỏ này.