Khơi dậy tiềm năng
Chính xác hơn sau 28 năm, du lịch Bình Thuận đã vươn mình phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân 31,3%/năm, đóng góp vào GRDP của tỉnh gần 10%, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Về các chỉ tiêu du lịch chủ yếu, Bình Thuận luôn nằm trong số các địa phương đón nhiều khách du lịch trong các tỉnh, thành thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ; có tổng thu từ du lịch và hệ thống cơ sở lưu trú cao. Chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên, lượng du khách và doanh thu du lịch tăng đều hàng năm, thương hiệu và uy tín được giữ vững, từng bước trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước. Nguồn nhân lực ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, nâng dần chất lượng. Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được quan tâm; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; đã thu hút được một số nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, đầu tư dự án quy mô lớn, cao cấp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Đường ĐT 719B kết nối với QL 1A
Một vấn đề trước đây luôn được du khách chưa hài lòng vì giao thông đối ngoại của tỉnh khó khăn trong đi lại, nay dường như sắp được giải quyết. Đó là Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) qua địa bàn tỉnh dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối tháng 4 này. Còn ngay trong khu vực ven đô của TP. Phan Thiết, Dự án Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà và nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện hiện đang tập trung triển khai thi công xây dựng công trình sẽ tạo một trục liên thông cho Phan Thiết – Hàm Thuận Nam – La Gi bứt phá mạnh hơn trong phát triển kinh tế và du lịch.
Còn mảng phía Bắc trục đường Mũi Né - Hòa Thắng – Hòa Phú đã nối Tuy Phong, Bắc Bình gần hơn với TP. Phan Thiết. Và thực tế đã chứng minh đây là cung đường hút khách du lịch nhất trong vài năm trở lại đây nhờ cảnh quan đẹp với những đồi cát thơ mộng.
Trong những năm qua, để khai thác tốt lợi thế về tiềm năng du lịch của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được đảm bảo, chất lượng nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao.
Một góc hồ Bàu Trắng
Đường Hòa Thắng - Hòa Phú
Lợi thế về tài nguyên
Không chỉ vậy, Bình Thuận còn sở hữu tài nguyên tự nhiên hết sức đa dạng, phong phú như: nhiều đảo, cù lao, vũng, vịnh và bãi biển có cảnh quan đẹp: Cù Lao Câu, Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), Đồi Dương -Thương Chánh, Mũi Né - Hòn Rơm (TP. Phan Thiết), Mũi Điện Kê Gà (Hàm Thuận Nam), Cam Bình, Ngảnh Tam Tân (Hàm Tân)... ; cảnh quan thu hút nhiều du khách như: Đồi Cát bay, Hòn Rơm, Suối Tiên, Đá Ông Địa, Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết)... Ngoài ra còn rất nhiều điểm tham quan đẹp, hấp dẫn ở các địa phương nhưng chưa được khai thác như: đập Đồng Măng, đập Đồng Mới, hồ Cà Giây, hồ Picsin (Bắc Bình), hồ Sông Lòng Sông, thác Yavly, suối nước khoáng Vĩnh Hảo (Tuy Phong), thác 9 tầng, thác Sương Mù, hồ Đa Mi, hồ Hàm Thuận - Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Núi Tà Cú, Mũi Điện Kê Gà, suối nước nóng Bưng Thị (Hàm Thuận Nam), Đồi Dương, Hòn Bà (La Gi)... thác Bà, hồ Biển Lạc (Tánh Linh), thác Reo, khu vực hồ Trà Tân - thác Mai, Đa Kai (Đức Linh)…
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận
Bình Thuận có các di tích lịch sử - văn hóa kiến trúc cổ: đình Xuân An, đình Xuân Hội (Chợ Lầu - Bắc Bình), đình Đức Thắng (Đức Thắng - Phan Thiết), đình Đức Nghĩa (Đức Nghĩa - Phan Thiết), đình Phú Hội (Hàm Hiệp - Hàm Thuận Bắc), đình Tú Luông (Đức Long - Phan Thiết), đình Bình An (Bình Thạnh - Tuy Phong); chùa Cổ Thạch (còn gọi là chùa Hang, Bình Thạnh - Tuy Phong), chùa Núi Tà Cú (Thuận Nam - Hàm Thuận Nam), chùa Linh Sơn (Vĩnh Hảo - Tuy Phong), chùa Ông (Đức Nghĩa - Phan Thiết), chùa Phật Quang (Hưng Long - Phan Thiết); Tín ngưỡng dân gian có dinh Thầy Thím (Tân Tiến, La Gi), Vạn Thủy Tú (Đức Thắng-Phan Thiết), Vạn An Thạnh (Tam Thanh - Phú Quý), lăng Ông Nam Hải….
Đảo Cù Lao Câu
Bãi rêu Tuy Phong
Về tài nguyên nhân văn có: Danh lam thắng cảnh Lầu Ông Hoàng (Phú Hài - Phan Thiết), thắng cảnh lịch sử truyền thống cách mạng kháng chiến của nhân dân Bình Thuận: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các căn cứ kháng chiến Nam Sơn, Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), Bắc Ruộng, Lồ Ô (Tánh Linh), Khu Lê Hồng Phong, Bàu Trắng (Bắc Bình); Bảo tồn các Di tích lịch sử - văn hóa về kiến trúc cổ người Chăm: tháp Pô Đam (Phú Lạc - Tuy Phong), tháp PôShaInư (Phú Hài - Phan Thiết), phế tích tháp Chăm ở Kim Bình (Hàm Thắng - Hàm Thuận Bắc), các tháp Chăm mới phát hiện ở Hàm Phú, Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm và đền thờ Pô Nit (Phan Hiệp - Bắc Bình), đền thờ công chúa Bàn Tranh (Long Hải - Phú Quý).
Vạn An Thạnh - Phú Quý
Chùa Núi Tà Cú
Suối nước nóng Bưng Thị
Du lịch tỉnh Bình Thuận được xác định là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và đã có sự phát triển tích cực. Địa bàn du lịch được mở rộng, các điểm danh thắng được tôn tạo, nâng cấp; hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch được quan tâm đầu tư phát triển. Chất lượng dịch vụ du lịch từng bước được nâng lên, thương hiệu và uy tín được giữ vững, tương lai không xa Bình Thuận trở thành địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước.
Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận