Theo dõi trên

“Mở cửa” cho sản xuất kinh doanh

23/02/2023, 05:53

Động thái đáng chú ý trong 2 ngày qua (21-22/2) là các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn tiền gửi. Ở kỳ hạn 6 tháng, ghi nhận phần lớn các ngân hàng đã đưa về mốc 5-6%/năm; các kỳ hạn gửi 12 tháng, 24 tháng, các ngân hàng lớn đã điều chỉnh lãi suất 2 con số của thời điểm trước tết xuống quanh 9,5 - 7,4%/năm, tùy từng ngân hàng.

Qua quan sát cho thấy, chỉ vài ngân hàng nhỏ niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cho các khoản tiết kiệm trung và dài hạn này ở 9,5%, còn lại số đông đang dao động trên dưới 9%/năm. Theo đó, tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Điều này có lẽ cũng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tiền gửi tại tỉnh. Bởi ngay thời điểm có đến 20 ngân hàng niêm yết lãi suất trung và dài hạn trên 10%/năm, hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có tăng nhưng mức tăng không như suy đoán nhiều người.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, tại thời điểm 30/12/2022, nguồn vốn huy động toàn tỉnh đạt 52.742,6 tỷ đồng, tăng 7,76% so với đầu năm và tăng 19,45% so cùng kỳ năm trước. Còn đến 31/1/2023, vốn huy động đạt 53.270 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so cuối năm 2022. Cũng trong cùng thời gian nóng bỏng trên, dù lãi suất cho vay tăng lên như cho vay các lĩnh vực khác phổ biến từ 8,5-12%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9,8-14,5%/năm, nhưng tổng dư nợ cũng ghi nhận có mức tăng ngang ngửa với vốn huy động. Cụ thể, đến 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 79.869,7 tỷ đồng, tăng 7,65% so với đầu năm và tăng 6,49% so cùng kỳ năm trước. Còn đến 31/1/2023, tổng dư nợ đạt là 48.820 tỷ đồng, tăng 1% so cuối năm 2022. Là tăng chứ không giảm, khi tin loan ra về room tín dụng bị ngăn chặn, khống chế thời gian qua.

Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận nhận định hoạt động huy động vốn và cho vay trên địa bàn tỉnh đang diễn ra bình thường, chứ không có biến động. Và thực tế diễn ra với lãi suất huy động được niêm yết giảm liên tục, được xem là tiền đề quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay sâu hơn trong thời gian tới. Vì hiện tại, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm nhiều để có thể kích thích phát triển sản xuất kinh doanh. Với mốc lãi suất quanh 14%/năm, người dân chưa thể mạnh dạn vay vốn cho sản xuất, kinh doanh, vì có nỗ lực tính toán đến mức nào cũng rất khó cho hoạt động tốt. Vì vậy, hiện tất cả đều đang quan sát, chờ đợi lãi suất cho vay xuống, nhất là mấy ngày qua đã có không ít ngân hàng như Agribank, Techcombank, VietinBank, Sacombank, MB… công bố các chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1-3%/năm.

Nổi bật như Agribank còn thông báo giảm lãi suất tối đa 3%/năm cho các dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 đang gặp khó khăn. Dù chưa lan tỏa nhưng đây là tín hiệu cho sự mở ra đối với cho vay bất động sản, lĩnh vực có tầm ảnh hưởng tác động đến 50 ngành nghề khác có liên quan, mà tình hình phát triển kinh tế trong những tháng qua đã chứng minh rất rõ điều đó.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường và dự báo, lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I năm nay và giảm dần kể từ quý II. Về lãi suất cho vay, NHNN phát đi thông điệp ưu tiên hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp sẽ khiến nhiều ngân hàng chủ động giảm lãi suất để nhận được room tín dụng cao hơn. Vì vậy, hy vọng không lâu nữa, lãi suất cho vay giảm để “mở cửa” cho sản xuất kinh doanh phát triển.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đức Linh: Người dân hưởng lợi từ dịch vụ ngân hàng
Ở huyện miền núi như Đức Linh mà nông dân như chúng tôi được đi gửi, rút tiền 24/24, kể cả thứ 7, chủ nhật hay những ngày lễ, tết không tốn phí thì không thua gì ở các đô thị lớn…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Mở cửa” cho sản xuất kinh doanh