Đợt dịch thứ 4 đến ngày 26/1/2022, cả nước ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 1,9 triệu người đã khỏi bệnh, 37.000 ca tử vong. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 6 trường hợp phát hiện trong nước tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; số còn lại từ nhập cảnh. Cùng đợt dịch này, Bình Thuận ghi nhận 28.966 ca mắc Covid-19, thì có 1.605 ca đang điều trị, 27.018 ca đã điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 366 ca tử vong (23 ca tử vong ngoài tỉnh).
Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước, chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” . Tuy nhiên, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 15.000 ca mỗi ngày. Trong thời gian tới, nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng có thể xảy ra do nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Với mục tiêu y tế là phải giảm tối đa các ca tử vong, ca chuyển nặng, bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân; không để bị động, lúng túng, bất ngờ nếu xuất hiện biến chủng mới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định, quy trình về pháp đồ điều trị theo dõi tại nhà đối với F0 tại nhà; khẩn trương trình Chính phủ ban hành chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023; “thần tốc” chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa xuân năm 2022. Đồng thời, Bộ Y tế công bố, cho phép nhập khẩu, sản xuất thuốc đặc trị Covid-19 trong nước chống đầu cơ, lũng đoạn đối với sản phẩm này. Bên cạnh phòng chống dịch, ngành y tế phải quan tâm đến công tác cấp cứu khám, chữa bệnh cho người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lộ trình cụ thể về việc đi học lại và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Thêm vào đó, các bộ ngành nghiên cứu mở cửa trường học, du lịch sớm nhất có thể, không bỏ lỡ cơ hội phát triển, nhưng phải đảm bảo hiệu quả an toàn.